Nữ giới viêm cột sống dính khớp điều trị như thế nào?

Nữ giới viêm cột sống dính khớp điều trị như thế nào?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Vợ em năm nay 27 tuổi. Năm ngoái, vợ em có bị sưng khớp gối bên trái. Khi đi khám thì chẩn đoán là bị tràn dịch khớp gối. Sau 2 tháng uống thuốc vẫn không khỏi và càng ngày càng nặng thêm. Em có đưa vợ đi khám, bác sĩ cho chụp MRI khớp gối thì có bị dập xương và bánh chè mức độ nhẹ. Bác sĩ cho thuốc về uống 2 tháng thì vẫn không có tiến triển. Sau đó thì mức độ càng nặng hơn, không chỉ sưng đau ở khớp gối mà còn đau ở cổ, khuỷu tay. Bác sĩ cho chụp MRI khớp cùng chậu và làm xét nghiệm HLA-B27. Bác sĩ chẩn đoán là bị viêm cột sống dính khớp. Sau 2 tháng uống thuốc thì bệnh vẫn không đỡ được vì hết thuốc giảm đau thì lại bị đau lại. Hiện tại, vợ em khó khăn trong việc đi lại và hoạt động. Cơn đau thường là vào buổi đêm từ 11h đến 3h sáng. Vậy bác sĩ cho em hỏi nữ giới viêm cột sống dính khớp điều trị như thế nào? Em cảm ơn bác sĩ.

Bùi Duy Pháp (1995)

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Hiền – Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Nữ giới viêm cột sống dính khớp điều trị như thế nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Viêm cột sống dính khớp là một bệnh có yếu tố di truyền có khả năng gây tàn phế cho người mắc nếu không được can thiệp và điều trị đúng cách. Viêm cột sống dính khớp là một tình trạng viêm mạn tính, biểu hiện đặc trưng nhất là vôi hóa cột sống, theo thời gian gây dính khớp, khiến cột sống mất khả năng di động và cuối cùng có thể gây ra hậu quả là tư thế bất thường (gập người về phía trước). Nếu bệnh tác động tới các xương sườn có thể làm cho bệnh nhân khó thở sâu. Tỉ lệ viêm cột sống dính khớp ở nam giới và nữ giới khác nhau, nam giới mắc nhiều hơn nữ giới. Những năm đầu sau tuổi thành niên thường là thời điểm khởi phát bệnh (biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng). Bên cạnh xương, tình trạng viêm còn xuất hiện ở các bộ phận khác của cơ thể, mà mắt là hay gặp nhất. Nguyên nhân gây ra viêm cột sống dính khớp hiện chưa sáng tỏ nhưng bệnh dường như có yếu tố di truyền. Mang gen HLA-B27 là một yếu tố nguy cơ cao xuất hiện viêm cột sống dính khớp nhưng trên thực tế chỉ có một số người mang gen biểu hiện bệnh. Viêm cột sống dính khớp hiện chưa có biện pháp điều trị triệt để nhưng nếu được can thiệp đúng cách có thể giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng và làm chậm lại sự tiến triển của bệnh. Mục tiêu điều trị viêm cột sống dính khớp như giảm đau, giảm cứng, phòng tránh hoặc làm chậm lại sự xuất hiện các biến chứng, ngăn ngừa sự biến dạng cột sống.

Điều trị viêm cột sống dính khớp thường sẽ đạt mục tiêu nếu như quá trình điều trị được tiến hành trước khi các tổn thương không hồi phục xuất hiện. Điều trị bằng thuốc thường sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như Naproxen (Naprosyn) hay Indomethacin (Indocin, Tivorbex). Những thuốc này có tác dụng giảm viêm, giảm đau, giảm cứng, tuy nhiên, tác dụng không mong muốn có thể xảy ra là chảy máu đường tiêu hóa. Nếu sử dụng thuốc chống viêm không steroid không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định các chế phẩm sinh học như kháng TNF hoặc chất ức chế IL-17. Ngoài ra, còn kết hợp phương pháp vật lý trị liệu, phẫu thuật được đặt ra trong trường hợp đặc biệt như bị đau nghiêm trọng, tổn thương khớp nghiêm trọng hoặc cần thay khớp háng nhân tạo (trong viêm dính khớp háng). Trường hợp vợ của bạn cần phải được thăm khám và điều trị thường xuyên tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Cơ xương khớp, khám định kỳ (khoảng 3 hoặc 6 tháng khám lại/lần) bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Nếu bạn còn thắc mắc về nữ giới viêm cột sống dính khớp, bạn có thể đưa vợ đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Suckhoe248 để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!


Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/co-xuong-khop/tu-van-bac-si/nu-gioi-viem-cot-song-dinh-khop-dieu-tri-nhu-nao/

Bài tập phục hồi chức năng sau khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu Previous post Bài tập phục hồi chức năng sau khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu
Chân tay yếu, nhai nuốt kém, nói khó nghe phải làm sao? Next post Chân tay yếu, nhai nuốt kém, nói khó nghe phải làm sao?