Thời điểm tầm soát ung thư buồng trứng

Thời điểm tầm soát ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là căn bệnh phụ khoa nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao vì diễn biến âm thầm, khó phát hiện sớm. Tầm soát ung thư buồng trứng định kỳ được xem là giải pháp hữu hiệu trong việc phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này.

1. Vì sao cần tầm soát ung thư buồng trứng?

Theo thống kê, tỷ lệ chữa khỏi ung thư buồng trứng đạt tới 90% nếu phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm dần nếu bệnh được phát hiện trong các giai đoạn sau. Đến khi ung thư buồng trứng bước sang giai đoạn di căn, chỉ có 20% bệnh nhân có thể được chữa khỏi.

Thực tế cho thấy các triệu chứng của ung thư buồng trứng thường không rõ ràng trong giai đoạn sớm. Khi có những biểu hiện như đau vùng bụng dưới, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, ăn kém, đầy bụng,… thường người bệnh chỉ cho rằng đó là tình trạng rối loạn tiêu hóa thông thường nên không đi kiểm tra. Điều này đã khiến bệnh nhân bỏ lỡ thời điểm điều trị bệnh tốt. Khi các triệu chứng ung thư buồng trứng đã rõ ràng thì lúc này bệnh đã bước sang giai đoạn tiến triển, khả năng điều trị thành công và cơ hội sống sót cực kỳ thấp.

Do đó, tầm soát ung thư buồng trứng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm, giúp phụ nữ nâng cao khả năng điều trị bệnh thành công, giảm tối đa nguy cơ tử vong.

2. Đối tượng nên tầm soát ung thư buồng trứng

Những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng nên khám sàng lọc định kỳ. Cụ thể là:

  • Có người thân mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng.
  • Có bất thường trong một gen BRCA1 hoặc BRCA2.
  • Có các gen liên quan đến ung thư đại trực tràng nonpolyposis di truyền (hội chứng Lynch).
  • Thừa cân.
  • Trên 50 tuổi.
  • Chưa bao giờ mang thai.
  • Có triệu chứng cảnh báo mắc ung thư buồng trứng: Đau bụng dưới, sụt cân nhanh, chán ăn, đầy bụng, buồn nôn,…

Phụ nữ trung niên
Phụ nữ trên 50 tuổi nên đi khám sàng lọc ung thư buồng trứng định kỳ

3. Các phương pháp tầm soát ung thư buồng trứng

Một số phương pháp thường được chỉ định để tầm soát ung thư buồng trứng là:

  • Xét nghiệm CA 125: CA-125 là một protein có nồng độ trong máu cao hơn ở những người mắc ung thư buồng trứng. Vì vậy, xét nghiệm máu đo chỉ số CA-125 thường được sử dụng để tầm soát ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, mức CA 125 có thể tăng cao ở những người mắc u xơ tử cung, xơ gan, nhiễm trùng vùng chậu, ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, ung thư phổi và ung thư tuyến tụy,… Ngoài ra, nồng độ CA- 125 cũng có thể cao hơn bình thường ở một số phụ nữ khi bước vào chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, khi xét nghiệm thấy chỉ số CA-125 cao, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm các phương pháp khác.
  • Siêu âm vùng chậu: sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các cơ quan trong xương chậu, bao gồm buồng trứng. Các bác sĩ sẽ dùng đầu dò siêu âm kiểm tra qua ngả âm đạo hoặc thành bụng. Đối với khám sàng lọc ung thư buồng trứng, siêu âm giúp xác định vị trí và kích thước cụ thể của khối u.
  • Chẩn đoán hình ảnh: chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp X-quang để đánh giá mức độ bệnh và giai đoạn xâm lấn của khối u trong cơ thể.

Xét nghiệm CA 125
Xét nghiệm CA 125 tầm soát ung thư buồng trứng

4. Khám ung thư buồng trứng vào thời điểm nào?

  • Phụ nữ trên 50 tuổi nên khám tầm soát bệnh.
  • Nên thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư buồng trứng trong khoảng 14 ngày sau khi kết thúc kỳ kinh gần nhất.
  • Không xét nghiệm ung thư buồng trứng khi đang đặt thuốc hoặc đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa.
  • Kiêng quan hệ tình dục 24 – 58 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm ung thư để tránh những tổn thương cho cổ tử cung và tránh làm ảnh hưởng tới tính chính xác của kết quả chẩn đoán.
  • Tuyệt đối không dùng kem bôi trơn âm đạo vì nó có thể che khuất những tế bào bất thường trước khi xét nghiệm tầm soát ung thư buồng trứng.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/thoi-diem-tam-soat-ung-thu-buong-trung/

Bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 0-19 tuổi theo chuẩn WHO Previous post Bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 0-19 tuổi theo chuẩn WHO
Bé trai 12 tháng nặng bao nhiêu kg? Next post Bé trai 12 tháng nặng bao nhiêu kg?