Bé trai 12 tháng nặng bao nhiêu kg?

Bé trai 12 tháng nặng bao nhiêu kg?

Tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về cân nặng và chiều cao. Khi trẻ đến độ tuổi thôi nôi, nhiều phụ huynh thắc mắc rằng bé trai 12 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là đúng chuẩn, hoặc bé trai 12 tháng tuổi phát triển như thế nào được gọi là bình thường. Bài viết sau sẽ giúp các bố mẹ biết về quá trình phát triển và chăm sóc bé 12 tháng tuổi.

1. Đặc điểm về sự phát triển của bé trai 12 tháng

Chiều cao và cân nặng chuẩn của bé trai 12 tháng

Năm đầu đời của trẻ là khoảng thời gian mà trẻ tăng trưởng nhiều nhất. Sau đó quá trình phát triển về cân nặng và chiều cao của trẻ sẽ bắt đầu chậm lại dần bởi vì mức độ hoạt động tăng lên. Cân nặng và chiều cao của trẻ là điều mà các cha mẹ thường quan tâm đến. Nhiều phụ huynh có con nhỏ khi đến độ tuổi thôi nôi thường băn khoăn không biết bé trai 12 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là đúng chuẩn hoặc bé trai 12 tháng tuổi phát triển như thế nào là bình thường. Tuỳ theo độ tuổi và giới tình của trẻ mà có mức tiêu chuẩn khác nhau. Cân nặng của trẻ 12 tháng tuổi thường là sẽ tăng gấp ba lần so với khi sinh. Khi được 12 tháng tuổi, trẻ cũng sẽ tăng 50% về chiều cao và kích thước não bộ sẽ đạt 60% so với bộ não của người trưởng thành.

Nhìn chung, cân nặng bé trai 12 tháng tuổi theo tiêu chuẩn của thường lớn hơn so với bé gái. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cân nặng bé trai 12 tháng tuổi bình thường là 9,6 kg. Bé trai 12 tháng tuổi có cân nặng dưới 8,6 kg được coi là có nguy cơ suy dinh dưỡng và dưới 7,8 kg gọi là suy dinh dưỡng. Ví dụ, bé trai 12 tháng tuổi nặng 9kg nghĩa là bé có cân nặng nằm trong giới hạn bình thường. Ngược lại, cân nặng bé trai 12 tháng tuổi trên 10,8 kg là có nguy cơ béo phì và lớn hơn 11,8 kg được coi là béo phì. Chiều cao của bé trai 12 tháng tuổi bình thường là 73,3 cm, trong đó giới hạn dưới là 71,3 cm và giới hạn trên là 75,9 cm.

Giấc ngủ của bé 12 tháng tuổi

Bé 12 tháng tuổi thường ngủ vào ban ngày ít hơn và ngủ nhiều hơn vào ban đêm. Hầu hết các trẻ em ở độ tuổi này vẫn ngủ 2 giấc ngủ ngắn vào ban ngày, trong đó cần có một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa, sau khi đã được ăn hoặc bú no. Cha mẹ nên tập cho bé ngủ các giấc ngủ dài và ngắn đúng giờ, đồng thời khuyến khích bé ngủ giường riêng.

Khả năng vận động của bé 12 tháng tuổi

Sau 8 tháng, trẻ có thể biết bò và từ ngồi. Sau khi đã bò và ngồi khá vững vàng, trẻ sẽ tập bám vào vật gì đó để đứng dậy. Khi đến 12 tháng tuổi, bé có thể tự đứng vững, thậm chí một số bé còn chập chững bước những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Ngoài ra, bé khi được 1 tuổi còn có thể làm một số việc khá thành thục như cầm nắm và gõ hai khối đồ chơi vào nhau, bóc thức ăn, lật các trang của cuốn truyện, bấm nút để cho món đồ chơi chuyển động hay phát ra tiếng nhạc.

Khả năng nói của bé 12 tháng tuổi

Bé 12 tháng tuổi đã nhận biết rõ ràng về người quen và người lạ. Bé ở giai đoạn có thể bập bẹ những tiếng nói đầu tiên như “ba”, “mẹ” mặc dù phát âm không tròn vành rõ chữ lắm. Đồng thời, bé 12 tháng tuổi đã có thể diễn đạt được phần nào ý nghĩ và nhu cầu của mình thông qua các điệu bộ cử chỉ như lắc đầu, rùng mình, vươn tay hoặc tỏ ra căng thẳng, thậm chí khóc khi không có cha mẹ hoặc người thường chăm nom trẻ ở gần bên.

Khả năng trí tuệ của bé 12 tháng tuổi

Bé 12 tháng tuổi có thể bắt chước người khác có thể chơi “ú òa” và có thể vẫy tay chào tạm biệt. Bé cũng có thể chơi trò tìm vật được giấu đi, biết phản ứng khi bố mẹ nói không và bắt đầu thử phản ứng của cha mẹ với các trò nghịch ngợm như ném thức ăn khi bé đang ăn. Bé cũng có thể đáp lại những yêu cầu đơn giản, như “Hôn cha/ mẹ một cái” hoặc trả lời một số câu hỏi như “Gối mền của bé ở đâu?”. Bé thích tìm hiểu cách thức hoạt động của các đồ vật xung quanh và muốn thử nghiệm cách sử dụng chúng.

bé trai 12 tuổi phát triển như thế nào
Bé trai 12 tuổi phát triển như thế nào là thắc mắc của nhiều phụ huynh

2. Cách chăm sóc bé 12 tháng tuổi

Tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về cân nặng và chiều cao của trẻ. Các bậc cha mẹ cần biết bé 12 tháng ăn được gì và cách chăm sóc trẻ phù hợp với độ tuổi để tăng cường dinh dưỡng và phát triển khoẻ mạnh.

Dinh dưỡng cho bé 12 tháng tuổi phát triển thể chất

Dinh dưỡng là điều rất quan trọng và luôn giữ vị trí ưu tiên đối với sự phát triển của bé. Bé 12 tháng tuổi đã biết bò và bước vào giai đoạn tập bước đi chập chững nên bé sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn so với lúc trước, khoảng từ 800 đến 1000 calo/ngày.

  • Nếu bé còn đang bú sữa mẹ, nên tiếp tục cho bé bú mẹ ít nhất 3 lần trong ngày xen kẽ vào 3 bữa ăn chính. Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi, vì trong sữa mẹ có chứa thành phần sữa non (colostrum) để tăng sức đề kháng và giúp bé phát triển khỏe mạnh
  • Nếu bé uống sữa bột, cha mẹ có thể chuyển sang loại sữa dành cho trẻ 1 tuổi vì loại sữa này có chứa nhiều thành phần chất béo cân bằng lành mạnh – bao gồm ARA (axit arachidonic) và DHA (axit docosahexaenoic) – vốn không có trong sữa bò. Mỗi ngày bé nên uống 2 đến 3 cốc sữa ( 0,47l đến 0,7l )
  • Cần biết bé đã sẵn sàng để cai bú bình hay chưa. Phần lớn bé 12 tháng tuổi sẽ cai bú bình. Cai bú bình cũng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng tai giữa và giảm khả năng bị sâu răng (đặc biệt với những trẻ bú bình khi ngủ).
  • Kết hợp cai bú bình và cho bé làm quen việc uống sữa, uống nước trái cây bằng ly, cốc. Các loại nước trái cây chứa nhiều vitamin C không nên uống quá 200ml/ ngày, nên cho bé uống nước lọc.
  • Trong mỗi bữa ăn của trẻ cần có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm sau: chất đường bột như cháo, bột; 2 đến 3 muỗng canh chất đạm băm nhuyễn như trứng, thịt, cá, tôm, cua (nếu nấu cháo bằng nước hầm xương, hãy cho bé ăn cả phần thịt hầm vì chứa nhiều chất đạm); 2 muỗng rau lá hoặc củ đã băm nhuyễn như bí đỏ, cà rốt, rau muống, rau dền; 1 đến 2 muỗng dầu ăn trẻ em.
  • Ngoài cháo và bột, các phụ huynh có thể cho bé nếm thử các loại thức ăn mềm như bún, nui, phở, mì, … sau khi đã được cắt thành sợi nhỏ. Tuỳ vào khả năng nhai nuốt của bé và mức độ hứng thú, cha mẹ có thể cho bé tập làm quen với các thức ăn dạng đặc.
  • Nên có 2 bữa ăn phụ xen vào giữa các bữa ăn chính. Nên cho trẻ ăn sữa chua, trái cây, váng sữa, phô mai vào các bữa phụ để bổ sung vitamin và khoáng chất cũng như bổ sung lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hoá của bé.
  • Các món ăn cần thường xuyên đổi mới, chế biến đa dạng, nhiều màu sắc và trình bày đẹp mắt để thu hút sự chú ý của trẻ.
  • Khuyến khích bé tự ăn với thìa và bát/đĩa riêng, giúp bé có thể cầm nắm và kiểm soát đồ vật. Như vậy bé có thể phát triển kỹ năng vận động chính xác và kỹ năng phối hợp động tác.
  • Vì răng hàm bé chưa mọc đủ và khả năng nhai chưa hoàn thiện, nên tránh cho bé ăn các loại kẹo cứng‚ hạt cứng‚ kẹo cao su để tránh dị vật đường thở do hít sặc khi nuốt.
  • Hạn chế cho trẻ ăn vặt, ăn thức ăn nhanh nhất là vào các thời điểm gần bữa ăn chính.
  • Không nên kéo dài thời gian của bữa ăn quá lâu
  • Tạo không khí thoải mái, vui vẻ và khen ngợi động viên trẻ ăn.
  • Không thúc ép hay doạ nạt trẻ ăn vì như vậy sẽ tạo tâm lý căng thẳng và chán nản khi tới bữa ăn.
  • Kiểm tra răng và chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bé mỗi ngày, cho bé đi khám nha khoa định kỳ.
bé trai 12 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg
Bé trai 12 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg còn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày

Dành thời gian cho bé để phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp

Việc chăm sóc nuôi dạy bé ở giai đoạn 12 tháng tuổi trở đi là cả một nghệ thuật. Thay vì bồng bế bé thường xuyên, cha mẹ cần tạo môi trường an toàn để bé tự do vận động, chạy nhảy dưới sự theo dõi sát. Để giúp bé phát triển toàn diện, cha mẹ nên quan tâm, dành nhiều thời gian bên cạnh bé để trò chuyện và vui chơi cùng bé.

  • Giảm thời gian bé xem ti vi xuống chỉ còn một giờ/ ngày. Mỗi ngày nên dành khoảng thời gian riêng chỉ có cha mẹ và bé với nhau.
  • Bố mẹ nên đọc sách cho bé mỗi ngày và khi bạn đọc tới vật nào thì khuyến khích bé chỉ vào vật đó.
  • Nên chọn sách có nhiều hình vẽ‚ hoa văn thú vị, màu sắc bắt mắt.
  • Chơi các trò chơi tưởng tượng như các khối đồ‚ chơi búp bê hoặc các đồ vật thông dụng trong nhà.
  • Trẻ ở giai đoạn 12 tháng tuổi trở đi cần chơi các trò chơi hoạt động và cần tương tác với những người xung quanh.

Khi được 12 tháng tuổi là khoảng thời gian cho bé học hỏi và làm theo. Bé ở giai đoạn này sẽ học từ khẩu hình miệng, giọng nói và cử chỉ của người lớn. Do đó, các phụ huynh cần dạy bé những điều tốt để hình thành thói quen tốt cho bé sau này. Bố mẹ có thể hát cho bé nghe và khuyến khích bé bắt chước theo. Bố mẹ nên gọi tên các đồ vật một cách nhất quán và chính xác để bé học theo. Giải thích việc đang làm cho bé nghe khi đang tắm cho bé‚ mặc quần áo cho bé hoặc cho bé ăn và chơi.

Chích ngừa cho bé 12 tháng tuổi

Một số mũi tiêm ngừa mà bé 1 tuổi cần có bao gồm:

Đảm bảo an toàn cho bé

Khi bé 12 tháng tuổi đã có khả năng đi đứng, cầm nắm. Bé trở nên hiếu động hơn đồng nghĩa với việc bé phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Do đó, các phụ huynh cần đảm bảo môi trường xung quanh bé được an toàn.

  • Đảm bảo các vật dụng chắc chắn không thể bị rơi đổ nếu bé trèo lên.
  • Giữ máy sưởi nước (nếu có) ở nhiệt độ khoảng 49°C.
  • Tránh các dây lòng thòng như dây rèm cửa‚ dây điện thoại hay dây điện.
  • Môi trường xung quanh bé không được có khói thuốc lá cũng như không để các loại thuốc uống hay hóa chất trong tầm với của trẻ.
  • Không cho trẻ đến gần bể bơi, không để trẻ chơi một mình với nước.
  • Không bao giờ chơi trò tung bé lên.
  • Cần đảm bảo cho bé chơi các đồ vật lớn hơn miệng của bé để tránh bé bị tắc nghẽn họng hoặc đường thở.
  • Đảm bảo tất cả các đồ vật bé chơi đều làm từ chất không độc hại.
  • Không để các đồ chơi nhỏ‚ các đồ chơi chuỗi dài‚ thòng lọng hay dây ở cạnh bé.
  • Giữ các bóng đèn điện xa với rèm cửa và chăn đệm để phòng tránh cháy.
  • Không đeo núm vú giả quanh cổ hoặc tay của bé. Phần vòng to của núm vú giả phải rộng ít nhất 3,8 cm để đề phòng bé nuốt.
  • Không cho bé chơi các đồ chơi có cạnh sắc hay đồ chơi có các phần có thể bị tháo rời để phòng ngừa bé có thể nuốt các đồ vật nhỏ.
  • Khi ngồi xe hơi‚ cha mẹ cần cho bé ngồi trên ghế an toàn chắc chắn ở giữa hàng ghế sau và không bao giờ cho bé ngồi hàng ghế trước ở cạnh vị trí túi khí.
  • Cần đậy chặt nắp các lọ thuốc và để ở vị trí bé không với lấy được. Giữ các hóa chất và chất tẩy rửa ở nơi bé không với tới được. Bình chữa cháy đặt trong nhà cần khóa cẩn thận để bé không thể tự mở được.
  • Đảm bảo bé không kéo hoặc với tới được các dụng cụ đang nấu nóng (tay cầm nên hướng về phía trong). Dao kéo và các vật nặng cần để ở chỗ bé không lấy được.
  • Luôn để mắt tới bé.
  • Đảm bảo cửa được đóng chặt để bé không ngã ra ngoài khi tựa vào.
  • Cho bé đeo kính râm để tác hại của tia cực tím UVA và UVB và dùng kem chống nắng có chỉ số chống nắng ít nhất là 15.
  • Tránh đưa trẻ ra nắng vào lúc nắng gắt nhất trong ngày.
bé trai 12 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg
Ngoài vấn đề bé trai 12 tháng nặng bao nhiêu kg cha mẹ cần đảm bảo an toàn cho bé

3. Những vấn đề cần lưu ý đối với bé 12 tháng tuổi

Mỗi bé đều phát triển theo một tốc độ riêng. Tuy nhiên, một số dấu hiệu bất thường mà cha mẹ cần lưu ý như:

  • Bé không bập bẹ
  • Bé thờ ơ không quan tâm tới mọi thứ xung quanh
  • Bé không thể dùng ngón tay để chỉ vào đồ vật
  • Bé tập đi nhưng bước đi khập khiễng, chân không đều
  • Bé không biết bắt chước các hành động đơn giản, hạn như vỗ tay, vẫy tay tạm biệt
  • Khi bé té luôn ngã về phía trước thay vì bé có hành động ngồi lùi
  • Bé không thể tự bốc ăn hoặc không thể nhặt một vật nhỏ.

Nếu bé hơn 12 tháng tuổi có những dấu hiệu này, cha mẹ nên cho bé đi khám ngay để phát hiện và xử trí kịp thời.

Để giúp trẻ 12 tháng tuổi phát triển chiều cao, cân nặng đạt chuẩn hoặc trên chuẩn, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/be-trai-12-thang-nang-bao-nhieu-kg/

Thời điểm tầm soát ung thư buồng trứng Previous post Thời điểm tầm soát ung thư buồng trứng
Lưu ý khi dùng thuốc sát trùng rốn cho trẻ sơ sinh Next post Lưu ý khi dùng thuốc sát trùng rốn cho trẻ sơ sinh