Ăn dặm kiểu truyền thống có tốt cho bé?

Ăn dặm kiểu truyền thống có tốt cho bé?

Ăn dặm theo phương pháp truyền thống vẫn được khá nhiều cha mẹ trẻ áp dụng vì phương pháp này khá phù hợp với văn hoá người Việt và có thể giups trẻ hấp thu đầy đủ năng lượng cũng như chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm. Tuy nhiên, việc thực hiện ăn dặm theo phương pháp truyền thống cho trẻ cũng cần cha mẹ tìm hiểu cách thức thực hiện sao cho phù hợp giúp hiệu quả của quá trình này được cao nhất.

1. Ăn dặm truyền thống là gì?

Hiện nay có khá nhiều cách giúp trẻ dần làm quen với thực phẩm và chuyển sang chế độ ăn đặc ngoài sữa mẹ, trong đó bao gồm cả phương pháp ăn dặm truyền thống. Ăn dặm theo phương pháp truyền thống sẽ bao gồm các việc như xay nhuyễn các loại thực phẩm và sau đó trộn chung lại để tạo thành một món ăn cho trẻ.

Ăn dặm theo phương pháp truyền thống giúp trẻ có thể dễ dàng chuyển từ sữa mẹ sang thức ăn loãng sau đó đến thức ăn đặc. Với thức ăn của trẻ theo phương pháp này thì thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé sẽ được ăn các đồ ăn xay nhuyễn và phương pháp này cũng giúp cho hệ tiêu hoá của trẻ hoạt động tốt hơn và trơn tru hơn. Khác với các phương pháp ăn dặm khác như ăn dặm tự chỉ huy có thể cho phép trẻ quyết định việc lựa chọn thức ăn mà trẻ muốn ăn, ăn với số lượng bao nhiêu, thì ăn dặm theo phương pháp truyền thống thì trẻ cần được sự trợ giúp của cha mẹ, trẻ sẽ có đủ cơ hội được cung cấp đầy đủ năng lượng cũng như dưỡng chất theo nhu cầu khuyến nghị hơn. Hơn nữa, ăn dặm theo phương pháp truyền thống được các bậc ông bà truyền lại nên thường các ông bố bà mẹ trẻ cũng tự tin và thoải mái áp dụng cho trẻ ăn dặm kiểu truyền thống.

2. Nguyên tắc cơ bản áp dụng cho trẻ ăn dặm theo phương pháp truyền thống

Ăn dặm truyền thống cũng được thực hiện dựa vào một số nguyên tắc cơ bản như:

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới WHO, cha mẹ chỉ nên cho trẻ tập ăn dặm khi trẻ được 6 tháng, và đối với phương pháp ăn dặm truyền thống, cũng tương tự, nên áp dụng ở thời điểm này. Cha mẹ tránh cho trẻ ăn dặm quá sớm bởi vì ở độ tuổi này hệ tiêu hoá của trẻ chưa phát triển có thể sẽ gây nên các tác dụng phụ không có lợi cho phát triển của trẻ.

Thực đơn hàng ngày của trẻ được xây dựng với đủ 4 nhóm chất bao gồm:

  • Nhóm chất dinh dưỡng cung cấp carbohydrate hay chất bột đường thường chứa trong các loại thực phẩm như ngũ cốc, khoai, củ mì… giúp cung cấp năng lượng và chất xơ cần thiết cho trẻ.
  • Nhóm chất dinh dưỡng cung cấp chất béo bao gồm các loại thực phẩm như dầu ăn, mỡ động vật, bơ, phô mai… giúp cung cấp năng lượng ở dạng đậm đặc nhất. Chất béo giúp cơ thể trẻ có làn da tốt, đồng thời giúp trẻ dễ dàng hấp thu vitamin tan trong dầu tốt, và phát triển tế bào não và hệ thần kinh.
  • Nhóm chất dinh dưỡng cung cấp protein có chứa nhiều trong các loại thực phẩm chủ yếu có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, tôm, cua, lươn ếch… nhằm giúp xây dựng khối cơ của cơ thể và tổng hợp kháng thể bảo vệ cơ thể.
  • Nhóm chất dinh dưỡng cung cấp vitamin và chất khoáng bao gồm các loại thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng như rau xanh, quả chín… những chất này nhằm điều hoà các hoạt động của cơ thể trẻ đặc biệt giàu chất xơ chống táo bón ở trẻ.

Nguyên tắc quan trọng nhất cần nhớ khi thực hiện cho trẻ ăn dặm theo phương pháp truyền thống: cho trẻ ăn với số lượng vừa đủ, không ép trẻ ăn không phụ thuộc vào các phương tiện công nghệ để có thể thu hút trẻ hợp tác trong quá trình cho trẻ ăn. Cha mẹ có thể đặt trẻ ngồi trong ghế ăn và tạo cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh.

Cha mẹ cần chú ý thêm việc thay đổi độ thô của thực phẩm khi trẻ đã quen dần với quá trình ăn dặm, giúp cho trẻ cảm thấy hứng thú với mỗi bữa ăn của trẻ.


Ăn dặm truyền thống
Các món ăn trong thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé được xay nhuyễn

3. Các giai đoạn thích hợp có thể thực hiện cho trẻ ăn dặm theo phương pháp truyền thống.

Để thực hiện cho trẻ ăn dặm một cách hiệu quả nhất, cha mẹ cần thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể:

Giai đoạn trẻ ăn bột kết hợp với thịt, cá, rau củ xay nhuyễn. Độ tuổi áp dụng cho giai đoạn này khoảng từ 5 đến 6 tháng tuổi. Trẻ sẽ được ăn bột hoặc cháo nấu với tỷ lệ 1/10 kết hợp với nước luộc gà, nước hầm rau củ… và các thực phẩm được ninh kỹ sau đó đem lọc qua rây và thu được hỗn hợp mềm mịn. Sữa mẹ vẫn thuộc nguồn dinh dưỡng quý giá cho trẻ ở thời kỳ này, vì thế cha mẹ cũng không nên ép trẻ phải ăn quá nhiều thực phẩm. Mục đích của giai đoạn này giúp trẻ làm quen với thực phẩm ngoài sữa mẹ. Tuy nhiên, nên tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm có thể gây khả năng dị ứng như cua biến, ốc, tôm… trong giai đoạn đầu khi thực hiện cho trẻ bắt đầu ăn dặm

Giai đoạn tăng độ đậm đặc của các món ăn cho trẻ: Thời gian đầu của giai đoạn này cha mẹ có thể cho trẻ ăn 2 bữa bột và 1 bữa cháo. Cháo được nấu bằng hạt gạo vỡ và không cần phải xay nhuyễn như trước có thể tăng độ thô cho trẻ tập làm quan đồng thời tăng kỹ năng nhai và nuốt của trẻ. Thực đơn món ăn của trẻ không thể thiếu các loại rau củ như cà rốt, su hào, khoai lang, khoai tây. … cùng với các thực phẩm cung cấp protein như cá đồng, cua lươn… Giai đoạn này trẻ bắt đầu mọc răng, do đó có thể sẽ gặp các vấn đề liên quan đến đau nướu, sốt, rối loạn tiêu hoá,… cho nên cha mẹ nên tránh ép trẻ ăn mà nên chia nhỏ bữa ăn giúp trẻ ăn được nhiều hơn.

Giai đoạn trẻ ăn cháo nguyên hạt: Bắt đầu từ lúc trẻ được 10 đến 12 tháng. Cháo nguyên hạt giúp trẻ làm quen dần với các loại thức ăn thô, mềm . Cháo cũng có thể đặc hơn so với giai đoạn tăng đậm độ của món ăn. Cha mẹ cũng tập cho bé cách làm quen với muỗng, nĩa để trẻ có thể tự xúc ăn hết được bữa ăn của trẻ. Đặc biệt nên cho trẻ ngồi vào bàn ghế chung với cả nhà và cùng ăn chung với gia đình sẽ giúp trẻ phấn khích hơn khi sử dụng thức ăn.

Giai đoạn bắt đầu tập cho trẻ ăn cơm. Lúc này trẻ có thể ăn được rất nhiều loại thực phẩm như người lớn. Cha mẹ có thể tập cho trẻ ăn cơm nát cùng đồ ăn đã được băm nhỏ. Ở giai đoạn này ngoài hoàn thiện kỹ năng nhai và nuốt trẻ còn thành thạo hơn với việc sử dụng thìa, dĩa… và tự xúc ăn hết bữa cơm. Tuy nhiên, để xây dựng thực đơn cho trẻ ở giai đoạn này cha mẹ hãy lựa chọn thực phẩm đa dạng để bữa ăn của trẻ được phong phú.


Ăn dặm kiểu truyền thống
Ăn dặm truyền thống được áp dụng khi trẻ được 6 tháng tuổi

4. Những điều cha mẹ không nên áp dụng khi tập cho trẻ ăn dặm theo phương pháp truyền thống

Cha mẹ nên nhớ tuyệt đối tránh các loại thức ăn có khả năng gây sặc cho trẻ như các loại hạt, rau củ quả sống, bắp rang…

Hạn chế các yếu tố làm trẻ xao nhãng trong khi trẻ thực hiện ăn chẳng hạn như tivi, điện thoại… Cha mẹ nên tập cho trẻ ăn cùng với gia đình giúp trẻ nhanh chóng hoà nhập với thói quen ăn uống lành mạnh.

Không nên quá hấp tấp trong quá trình giúp trẻ làm quen với ăn dặm. Cha mẹ hãy kiên nhẫn và khuyến khích trẻ nhiều nhất có thể để có được sự hợp tác của trẻ.

Cha mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều loại thức ăn khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, hãy cho trẻ thưởng thức từng loại thực phẩm để trẻ có thể thưởng thức hết toàn bộ hương vị cũng như kết cấu của loại thực phẩm đó.

Cha mẹ cần lưu ý tạo bầu không khí thoải mái giúp trẻ hào hứng với bữa ăn, nên tránh tạo căng thẳng hoặc ép buộc trẻ khi đang ăn.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,… Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/dam-kieu-truyen-thong-co-tot-cho-be/

Làm thế nào khi bé ăn dặm bị táo bón? Previous post Làm thế nào khi bé ăn dặm bị táo bón?
Bé 23-26 tháng nặng 10kg, có phải suy dinh dưỡng? Next post Bé 23-26 tháng nặng 10kg, có phải suy dinh dưỡng?