Bài tập trị liệu cho bệnh nhân nhược cơ

Bài tập trị liệu cho bệnh nhân nhược cơ

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em bị nhược cơ đã 3 năm 2 năm trước tình trạng của em vẫn sinh hoạt như bình thường chỉ hơi sụp mắt và đôi lúc mệt mỏi nhưng dạo gần đây em thường xuyên sụp mắt hầu như không ngày nào mắt được bình thường và thường xuyên đau cơ đau chân mỏi tay không dơ tay lên được nhiều khi đang ngồi còn không tự đứng được? Vậy các bác sĩ có bài tập trị liệu cho bệnh nhân nhược cơ không ạ? Em cảm ơn.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi BSCK I Phạm Quốc Văn – Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Bài tập trị liệu cho bệnh nhân nhược cơ”, bác sĩ giải đáp như sau:

Nhược cơ là bệnh lý tự miễn khi xuất hiện kháng thể bất thường chống lại thụ thể acetylcholin tại tiếp hợp thần kinh cơ, làm cho cơ không nhận được tín hiệu thần kinh, gây giảm hoặc mất sự co cơ.

Các nhóm cơ thường bị ảnh hưởng là cơ vận nhãn, cơ thân mình, cơ ở chi, cơ vùng hầu họng và cơ hô hấp. Tùy thuộc vào nhóm cơ bị ảnh hưởng trên lâm sàng mà bác sĩ sẽ phân loại giai đoạn bệnh.

Tình trạng của bạn theo mô tả thì đã ảnh hưởng tới cơ vận nhãn, cơ thân mình và cơ ở tứ chi, thì rất có thể bạn đang ở giai đoạn 2a. Tuy nhiên, bác sĩ cần thăm khám và đánh giá về ảnh hưởng của bệnh tới các nhóm cơ khác như cơ vùng hầu họng, cơ hô hấp thì mới có thể phân loại giai đoạn bệnh chính xác được.

Ngoài ra, các triệu chứng của bạn đang nặng lên nhanh trong thời gian gần đây, có thể bạn đang trong đợt cấp của bệnh nhược cơ. Vì vậy điều trị phục hồi chức năng đơn độc trong giai đoạn này của bạn là không đủ. Nên:

  • Bạn cần tái khám chuyên khoa Nội thần kinh đế đánh giá giai đoạn bệnh và hiệu quả điều trị thuốc hiện tại, từ đó có điều chỉnh điều trị cho phù hợp.
  • Phục hồi chức năng: Rất cần thiết để duy trì tầm vận động, sức cơ không chỉ ở tứ chi, thân trục mà còn cơ vùng hầu họng, cơ hô hấp nhằm đảo bảo thông khí và ăn uống đường miệng an toàn.

Ngoài ra, phục hồi chức năng còn cần thiết để duy trì và cải thiện thăng bằng, sự độc lập của bạn trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, nếu luyện tập không phù hợp, có thể làm nặng thêm tình trạng nhược cơ của bạn.

  • Các bài tập PHCN: Tập tầm vận động; tập mạnh cơ thân trục, tư chi; tập mạnh cơ vùng miệng – hầu họng; tập mạnh và tăng sức bền cơ hô hấp; tập thăng bằng và dáng đi.
  • Cường độ bài tập: Khuyến cáo chỉ tập các bài tập với cường độ nhẹ tới trung bình, tránh tập vận động cường độ cao và gắng sức, vì như vậy sẽ làm cơ yếu nhanh hơn.
  • Thời điểm luyện tập: Nên tập luyện vào thời điểm bạn cảm thấy khỏe nhất trong ngày, thông thường là vào sáng sớm, tránh tập về cuối ngày. Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị nhược cơ, thì tập sẽ sau uống thuốc khoảng 1.5 tới 2h.

Tuy nhiên, bác sĩ phục hồi chức năng cần đánh giá cụ thể hơn về tầm vận động, sức cơ, thăng bằng và chức năng độc lập của bạn, thì mới có thể đưa ra kế hoạch điều trị cá thể hóa và phù hợp với giai đoạn bệnh của bạn được. Vì vậy, bạn nên sắp xếp khám với bác sĩ phục hồi chức năng để có lộ trình điều trị đúng đắn và phù hợp.

Nếu bạn còn thắc mắc về việc bài tập trị liệu cho bệnh nhân nhược cơ, bạn có thể đến cơ sở y tế thuộc Hệ thống Y tế Suckhoe248 thăm khám và điều trị sớm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/co-xuong-khop/tu-van-bac-si/bai-tap-tri-lieu-cho-benh-nhan-nhuoc-co/

Đau thắt vùng cột sống eo có cần chụp MRI không? Previous post Đau thắt vùng cột sống eo có cần chụp MRI không?
Nam giới va đập mạnh đầu gối trái có ảnh hưởng gì? Next post Nam giới va đập mạnh đầu gối trái có ảnh hưởng gì?