Trẻ bị sởi có uống kháng sinh được không?

Trẻ bị sởi có uống kháng sinh được không?

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng khá đặc trưng như sốt, phát ban, chảy mũi, ho, đỏ mắt… Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn nếu không có miễn dịch để phòng bệnh. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy trẻ bị sởi có uống kháng sinh được không?

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi

Sau thời gian khoảng 10 – 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, bệnh nhân có thể xuất hiện những triệu chứng sau đây:

  • Sốt;
  • Ho khan;
  • Chảy nước mũi;
  • Mắt đỏ;
  • Không chịu được ánh sáng;
  • Xuất hiện những nốt nhỏ xíu với trung tâm màu xanh trắng, vị trí bên trong miệng nơi gò má, những nốt này có tên gọi là đốm Koplik;
  • Trên người xuất hiện những đốm đỏ lớn, phẳng, chập vào nhau.

Cụ thể hơn bệnh sởi thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo đó là những triệu chứng thông thường như ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2, 3 ngày sau đó các đốm Koplik nổi lên, đốm này chính là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi. Thời điểm này bệnh nhân có thể bị sốt cao lên đến 40 độ C. Cùng lúc đó, những mảng đỏ bắt đầu nổi lên, thường nổi nhất là ở mặt, theo đường tóc và sau tai. Những vết đỏ do bệnh sởi gây ra có tính chất hơi ngứa, có thể dấn lan xuống ngực, lưng và cuối cùng lan xuống đến đùi và bàn chân. Khoảng 1 tuần sau đó những vết nhỏ này sẽ nhạt dần, theo thứ tự nốt nào xuất hiện trước sẽ hết trước.

2. Nguyên nhân gây bệnh và đường lây của bệnh sởi

Bệnh sởibệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện…, rất ít khi lây gián tiếp vì virus sởi dễ bị tiêu diệt ở điều kiện ngoại cảnh. Bệnh sởi là bệnh gây ra do siêu vi sởi, bệnh rất dễ lây, 90% những người tiếp xúc với người mắc bệnh sẽ bị lây sởi nếu chưa tiêm ngừa. Siêu vi sởi tồn tại ở mũi và cổ họng của bệnh nhân và đã có thể lây bệnh cho người khác từ 4 ngày trước khi các vết đỏ xuất hiện.

Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay khi nói chuyện, những giọt nước nhỏ chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào hoặc những giọt bắn này có thể rơi xuống mặt bàn, điện thoại… khi sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng, chúng ta sẽ bị lây bệnh. Một khi siêu vi sởi xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân, chúng thường đi vào trong những tế bào đằng sau cổ họng và phổi, sau đó sẽ lan khắp cơ thể, kể cả ở hệ hô hấp và da.

Virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae, có hình cầu, đường kính 120 – 250nm, sức chịu đựng yếu, rất dễ bị diệt với các thuốc khử trùng thông thường, ánh sáng mặt trời, sức nóng… Ở nhiệt độ 56 độ C virus sởi bị tiêu diệt trong 30 phút. Về cấu tạo virus sởi có 2 kháng nguyên:

  • Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu (Hemagglutinin);
  • Kháng nguyên tan hồng cầu (Hemolysin).

Khi virus xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân sẽ kích thích sinh kháng thể, vì vậy bằng kỹ thuật kết hợp bổ thể và kỹ thuật ức chế ngưng kết hồng cầu sẽ giúp cho các bác sĩ có cơ sở chẩn đoán bệnh. Kháng thể bệnh sởi sẽ xuất hiện từ ngày thứ 2 – 3 sau khi mọc ban và tồn tại lâu dài. Miễn dịch tạo thành trong bệnh sởi là miễn dịch bền vững, rất hiếm khi mắc lại lần thức hai.

Bệnh sởi rất hay gặp ở trẻ nhỏ 1 – 4 tuổi, trẻ dưới 6 tháng ít mắc bệnh sởi vì có miễn dịch của mẹ. Người lớn rất ít mắc bệnh vì thông thường đã bị mắc từ bé, nhưng nếu người lớn mắc bệnh thường là những người sinh sống ở vùng cao, hẻo lánh, đảo xa… từ nhỏ đến lớn vẫn chưa tiếp xúc với virus sởi.

Bệnh sởi thường bùng phát vào mùa đông xuân – thời điểm suy giảm miễn dịch nên bệnh nhân rất dễ mắc bệnh. Bệnh sởi có tỷ lệ tử vong cao: 0,02% ở các nước phát triển; 0,3 – 0,7% ở các nước đang phát triển.

Hiện nay nhờ có vắc xin, bệnh sởi đã được tiêm phòng rộng rãi nên tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đã giảm nhiều, vắc xin phòng bệnh cũng nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng của nước ta.

3. Trẻ bị sởi có uống kháng sinh được không?

Khi trẻ nhỏ mắc bệnh sởi, thay vì nôn nóng sử dụng kháng sinh, phụ huynh nên thực hiện một vài phương pháp chữa trị bệnh sởi tại nhà đạt hiệu quả cao, lành tính và an toàn. Việc đầu tiên khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh sởi là để trẻ được nghỉ ngơi ở những nơi thoáng đãng và sạch sẽ. Quan niệm dân gian cho rằng trẻ bị bệnh sởi cần phải kiêng gió, kiêng nước và tránh đi ra ngoài, tuy nhiên đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Khi trẻ mắc bệnh sởi, cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ cho bé để giảm thiểu tối đa nguy cơ trẻ bị sởi bị bội nhiễm các loại vi khuẩn khiến tình trạng ngày càng nặng hơn. Vậy trẻ bị sởi có uống kháng sinh được không?

Trong suốt thời gian trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên cung cấp thêm cho trẻ các chất dinh dưỡng cần thiết. Để biết được trẻ bị sởi có uống kháng sinh được không, phụ huynh cần phần biệt được con mình đang mắc phải bệnh sởi lành tính hay sởi mãn tính. Đối với bệnh sởi lành tính, phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ uống kháng sinh. Đối với bệnh sởi mãn tính, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị và theo dõi, trường hợp này phụ huynh nên nghe và làm theo chỉ định của bác sĩ.

4. Trẻ bị sởi dùng thuốc gì?

Đối với trẻ mắc bệnh sởi, mỗi khi trẻ sốt cao có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt dưới sự tư vấn từ bác sĩ hoặc bổ sung các loại vitamin cần thiết cho trẻ. Ngoài ra, khi bị bệnh phụ huynh nên cho con mặc thoáng mát, chườm khăn ấm lên trán, nách, bẹn để giúp hạ sốt nhanh hơn.

Để tránh lây lan bệnh sởi cho người thân và bạn bè xung quanh, trẻ bị bệnh cần được cách ly với môi trường bên ngoài cho đến khi bệnh khỏi hẳn. Không nên tự ý cho trẻ uống kháng sinh khi không cần thiết vì nó thuốc có thể gây ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của trẻ.

Một việc cần lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc bệnh sởi đó là bổ sung thêm vitamin A cho bé, trẻ nên được bổ sung 2 liều vitamin A, mỗi liều cách nhau 24 giờ với liều lượng vitamin A theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp bé uống hạ sốt đúng liều của bác sĩ chỉ định nhưng không có dấu hiệu giảm sốt thì phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay.

5. Những phương pháp phòng tránh sởi cho trẻ

  • Để sinh ra một em bé khỏe mạnh thì trong quá trình mang thai, bà bầu nên được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và tiêm phòng đúng theo chỉ định của Bộ Y tế;
  • Để phòng tránh bệnh sởi ở trẻ em, trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin khi đủ tuổi;
  • Môi trường sống hàng ngày của trẻ cần được duy trì sạch sẽ giúp hạn chế sự phát triển của các loại virus, vi khuẩn gây bệnh;
  • Tạo cho trẻ biết tự thực hiện những thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày như: vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần mỗi ngày, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, mỗi khi ho hoặc hắt hơi ở những nơi đông người trẻ cần biết che miệng lại;
  • Đặc biệt, không nên cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với những người đang mắc bệnh sởi, đây chính là con đường khiến bệnh dễ dàng lây lan nhất;
  • Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch còn non yếu, đặc biệt khi phụ huynh đưa trẻ đi bệnh viện rất dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo mềm bệnh trong môi trường bệnh viện. Vì vậy phụ huynh hãy cân nhắc kỹ, chỉ đưa trẻ đến bệnh viện khi thật sự cần thiết, đặc biệt là trong những thời điểm đang có dịch sởi.

Ngoài ra, một trong những phương pháp giúp phòng tránh và chăm sóc trẻ trước khi cơ mắc bệnh sởi chính là bổ sung các loại vitamin cần thiết, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng chống lại được sự tấn công từ các loại virus, vi khuẩn bên ngoài.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/tre-bi-soi-co-uong-khang-sinh-duoc-khong/

Efticol dùng cho trẻ sơ sinh có an toàn? Previous post Efticol dùng cho trẻ sơ sinh có an toàn?
Cách hỗ trợ hành vi không phù hợp – Những cơn bùng nổ, khủng hoảng ở trẻ Next post Cách hỗ trợ hành vi không phù hợp – Những cơn bùng nổ, khủng hoảng ở trẻ