Sốt siêu vi ở trẻ em kéo dài mấy ngày?

Sốt siêu vi ở trẻ em kéo dài mấy ngày?

Sốt siêu vi là bệnh khá thường gặp ở trẻ em, nhất là vào thời điểm giao mùa. Tuy là căn bệnh phổ biến nhưng rất nhiều ông bố bà mẹ vẫn chưa biết cách chăm sóc khi trẻ bị nhiễm bệnh. Dưới đây là một số thông tin giúp giải đáp thắc mắc “trẻ sốt siêu vi mấy ngày hết bệnh và cách chăm sóc trẻ khi bị bệnh như thế nào?”

1. Sốt siêu vi là gì?

Sốt siêu vi là tình trạng trẻ bị sốt do một số loại virus gây nên chẳng hạn như Rhinovirus, Adenovirus, Enterovirus và virus cúm,… Trẻ bị sốt siêu vi thường kéo dài từ 3-5 ngày, lâu nhất là 7 ngày. Ngoài có triệu chứng sốt, trẻ có thể xuất hiện kèm theo một số biểu hiện khác như đau đầu, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau cơ, trẻ chán ăn, mệt mỏi, hay quấy khóc,…

Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ có nhiều điểm tương đồng và dễ gây nhầm lẫn với bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, việc phát hiện và chẩn đoán trẻ bị sốt siêu vi chính xác ngay từ đầu có thể giúp quá trình điều trị diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Thông thường, sốt siêu vi sẽ có một số triệu chứng như sau:

  • Ớn lạnh;
  • Thân nhiệt không có dấu hiệu hạ sốt dù đã được uống thuốc;
  • Đau khớp;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Sưng mặt;
  • Phát ban;
  • Chảy nước mũi;
  • Nghẹt mũi;
  • Nhức đầu;
  • Ho;
  • Đau cơ;
  • Tinh thần uể oải, hay quấy khóc.

Lưu ý: Nếu trẻ có dấu hiệu đau bụng, sốt cao liên tục từ hai ngày trở lên, đi ngoài ra máu hoặc phát ban toàn thân cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

2. Sốt siêu vi ở trẻ em kéo dài mấy ngày?

Những dấu hiệu sốt siêu ở trẻ như đau đầu, nghẹt mũi, chán ăn, mệt mỏi hay quấy khóc sẽ khiến cha mẹ lo lắng và cảm thấy hoang mang không biết sốt siêu vi ở trẻ em kéo dài mấy ngày.

Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế thì các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng vì nếu trẻ được điều trị và chăm sóc đúng cách, sốt siêu vi sẽ không phải là căn bệnh quá đáng lo ngại. Thông thường, tình trạng sốt siêu vi ở trẻ em kéo dài từ 1 đến 2 tuần sẽ khỏi và không gây nguy hiểm cho trẻ. Khi bị nhiễm bệnh, trẻ cần được chăm sóc đúng cách sẽ giúp trẻ hạ sốt dần, không còn sốt sau vài ngày và bệnh sẽ khỏi hoàn toàn sau 5 – 7 ngày.

Tuy nhiên, cha mẹ không nên chủ quan trong quá trình chăm sóc trẻ bị bệnh, vì trẻ có thể gặp một số nguy hiểm khi tình trạng sốt siêu vi tiến triển nhanh. Trường hợp trẻ có dấu hiệu co giật, li bì hay hôn mê ba mẹ cần đưa con tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

3. Nguyên nhân khiến trẻ bị sốt siêu vi

Sốt siêu vi là một dạng nhiễm trùng, đối tượng dễ mắc bệnh nhất bao gồm những người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ. Cơn sốt siêu vi ở trẻ em chủ yếu bắt nguồn từ nhiều chủng vi sinh vật gây bệnh như rhinovirus, coronavirus, adenovirus, enterovirus

Bên cạnh đó, giao mùa là thời điểm trẻ dễ bị sốt siêu vi nhất. Sự thay đổi thời tiết đột ngột làm cho những tế bào bạch cầu của bé không kịp thích ứng, do đó góp phần tạo điều kiện cho các chủng virus xâm nhập cơ thể.

4. Sốt siêu vi có lây không?

Nguyên nhân sốt siêu vi đến từ các virus nên bệnh hoàn toàn có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác. Do đó, nếu trẻ bị bệnh, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người khác.

Một số con đường lây nhiễm phổ biến bao gồm:

  • Đường hô hấp: Động tác ho hoặc hắt hơi của trẻ bị bệnh có thể vô tình đưa virus từ người bệnh sang những người xung quanh. Các chủng virus thường lây truyền qua đường hô hấp là coronavirus và rhinovirus.
  • Đường tiêu hóa: Việc dùng phải những thực phẩm không đảm bảo có thể góp phần tạo điều kiện cho virus tấn công cơ thể và gây sốt. Một số virus có khả năng tồn tại bên ngoài môi trường bằng cách bám vào thực phẩm hay đồ uống như norovirus hay enterovirus.

Phần lớn virus có thể truyền từ người này sang người khác thông qua những hoạt động thường ngày như:

  • Nói chuyện;
  • Hắt hơi;
  • Ho;
  • Sổ mũi;
  • Ăn thực phẩm đã nhiễm virus.

Không những thế, đôi khi, những virus gây sốt siêu vi còn có nguy cơ lây nhiễm qua đường máu với những hoạt động như:

  • Tiêm chích;
  • Từ mẹ truyền sang con khi sinh nở.

Thêm vào đó, trẻ còn có thể bị lây bệnh gián tiếp thông qua hành động tiếp xúc với vật dụng ở nơi công cộng, chẳng hạn như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang vô tình bị dính dịch có chứa virus gây bệnh.

5. Biến chứng sốt siêu vi ở trẻ em

Sốt siêu vi ở trẻ thường sẽ khỏi sau 5-7 ngày điều trị, tuy nhiên nếu cha mẹ không có phương pháp can thiệp kịp thời, trẻ có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm phổi

Viêm phổi là biến chứng phổ biến nhất ở trẻ bị sốt siêu vi. Đường hô hấp của trẻ bị sốt siêu vi có thể bị nhiễm trùng nặng có nguy cơ gây tổn thương mô phổi, từ đó dẫn đến suy hô hấp ở trẻ. Hơn nữa, viêm phổi cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh liên quan đến hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

  • Viêm tiểu phế quản

Trẻ nhỏ dưới một tuổi rất dễ bị viêm tiểu phế quản do biến chứng của sốt siêu vi. Tình trạng nhiễm trùng phổi có thể khiến tiểu phế quản của phổi sưng phù do viêm nhiễm, đồng thời tiết dịch gây tắc nghẽn. Hệ quả là trẻ gặp khó khăn trong việc hít thở. Đối với trẻ em, điều này có nguy cơ cao đe dọa đến tính mạng của trẻ.

  • Viêm thanh quản

Trong một số trường hợp, virus gây sốt siêu vi còn có khả năng tấn công thanh quản của trẻ bị bệnh. Sự nhiễm trùng tại bộ phận này có khả năng gây sưng ở đường hô hấp, làm cho đờm tích tụ ở họng và mũi, khiến trẻ khó thở và ho nhiều.

  • Viêm cơ tim

Nếu trẻ bị sốt siêu vi do virus adenovirus gây ra, tình trạng viêm cơ tim rất dễ phát sinh nếu trẻ không được điều trị kịp thời và hiệu quả. Phụ huynh nên chú ý một số dấu hiệu khi nhiệt độ cơ thể của bé đã trở về mức bình thường nhưng vẫn xuất hiện triệu chứng:

  • Mệt mỏi;
  • Khó thở;
  • Dễ lịm đi;
  • Không đùa nghịch, hoạt bát như trước;
  • Bỏ ăn.

Nếu trẻ có những dấu hiệu trên, trẻ có thể trẻ có nguy cơ bị viêm cơ tim, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra và chẩn đoán tình trạng bệnh. Nếu trẻ không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có nguy cơ dẫn đến suy tim cấp hay thậm chí là sốc tim.

  • Biến chứng ở não

Sốt siêu vi ở trẻ em khi diễn biến nặng có nguy cơ kéo theo các cơn co giật và hôn mê. Chúng dễ để lại những di chứng ở não, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ sau này. Do đó, phụ huynh nên sớm chú ý đến những dấu hiệu khác thường ở trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Tuy bé thường sẽ khỏe lại sau 7 – 10 ngày điều trị nhưng nếu không được tác động hiệu quả và kịp thời, sốt siêu vi ở trẻ em có thể dẫn đến nhiều biến chứng gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

6. Chăm sóc trẻ bị sốt siêu vi

Hiện nay các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, bổ sung dinh dưỡng giúp bé nâng cao sức đề kháng. Nếu trẻ sốt virus đơn thuần cha mẹ có thể điều trị tại nhà cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ: mặc thoáng mát, uống nhiều nước, ăn thêm quả, nước ép trái cây… Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên dự phòng sẵn thuốc hạ sốt để dùng khi cần thiết.

  • Chú trọng bù nước và điện giải cho trẻ bị bệnh

Trẻ bị sốt siêu vi thường có tình trạng mất nước và rối loạn điện giải, nhất là những trẻ bị sốt cao. Do đó, cha mẹ cần chú ý bổ sung đủ nước và các chất điện giải để bù nước, giúp điện giải cho trẻ khi bị sốt. Nên cho trẻ uống nước ấm hoặc nước ép hoa quả hay dùng oresol.

  • Bổ sung thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ bị sốt siêu vi

Trẻ khi bị sốt siêu vi cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Các mẹ nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho trẻ để nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và giúp trẻ có sức đề kháng chống lại virus.

Một số thực phẩm cha mẹ nên cho trẻ ăn vào thời điểm trẻ bị sốt siêu vi:

  • Các loại thực phẩm giàu protein bao gồm thịt, trứng, sữa, quả bơ, quả chuối,…
  • Các loại trái cây, vitamin, chất xơ và những hợp chất cần thiết cho cơ thể.

Cha mẹ nên ưu tiên chế biến những món ăn dạng lỏng như cháo, súp,… giúp trẻ dễ ăn hơn. Đồng thời, nên chia nhỏ bữa và đa dạng món ăn giúp trẻ hứng thú khi ăn, từ đó tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Hạn chế các thực phẩm khó tiêu, dễ gây dị ứng hoặc đồ ăn nhiều dầu mỡ.

  • Hạ sốt kéo dài ở trẻ em
  • Cha mẹ cần liên tục kiểm tra nhiệt độ thân nhiệt của trẻ.
  • Có thể dùng khăn ấm sạch để lau người, lau vùng nách và bẹn để giúp bé nhanh hạ sốt.
  • Nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi chất liệu nhẹ và thoáng mát.
  • Nếu đã thực hiện những cách trên mà trẻ không hạ sốt, có thể tham khảo các bác sĩ về cách sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ.

Nếu tình trạng sốt ở trẻ kéo dài không thuyên giảm, phụ huynh cần đưa trẻ tới cơ sở y tế sớm để được thăm khám và được tư vấn cách điều trị chăm sóc trẻ phù hợp, an toàn. Cha mẹ tuyệt đối không được tự ý điều trị hay dùng bất cứ loại thuốc nào cho trẻ bị sốt siêu vi nếu chưa có sự tư vấn chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

Mong rằng với những chia sẻ trên đây đã góp phần giải đáp thắc mắc “sốt siêu vi ở trẻ kéo dài mấy ngày”. Từ đó, sẽ cung cấp cho các bậc phụ huynh những thông tin hữu ích và có thêm kiến thức chăm sóc cho trẻ tốt hơn khi nhiễm bệnh.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/sot-sieu-vi-o-tre-em-keo-dai-may-ngay/

Cách trị hen suyễn tại nhà cho bé Previous post Cách trị hen suyễn tại nhà cho bé
Trẻ sơ sinh mút tay có gây hại gì không? Next post Trẻ sơ sinh mút tay có gây hại gì không?