Phát triển ngôn ngữ ở trẻ tự kỷ

Phát triển ngôn ngữ ở trẻ tự kỷ

Trẻ em mắc chứng tự kỷ thường có khuynh hướng thu mình và dường như thích tồn tại trong một thế giới riêng tư mà chúng bị hạn chế về khả năng giao tiếp và tương tác thành công với người khác. Vì vậy, trẻ tự kỷ khó phát âm và cũng có thể gặp khó khăn trong việc hiểu những gì người khác nói với chúng. Do đó, việc giáo dục kích thích phát âm cho trẻ tự kỷ là một phần quan trọng trong hướng dẫn hòa nhập cộng đồng ở những đối tượng này.

1. Phát triển ngôn ngữ ở trẻ tự kỷ như thế nào?

Tất cả trẻ em bắt đầu phát triển ngôn ngữ từ ngày chúng được sinh ra. Điều này xảy ra thông qua các mối quan hệ và tương tác với những người xung quanh. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ khó phát âm nên có thể khó học và sử dụng ngôn ngữ hơn so với trẻ phát triển bình thường.

Nguyên nhân trẻ tự kỷ có thể gặp khó khăn trong việc học ngôn ngữ vì chúng có xu hướng ít quan tâm đến người khác hơn trong 12 tháng đầu đời. Các trẻ tự kỷ có thể kém tập trung hơn vào những thứ khác đang diễn ra xung quanh mình. Bởi vì trẻ có thể không cần hoặc không muốn giao tiếp với người khác nhiều như những đứa trẻ đang phát triển thông thường, trẻ tự kỷ khó phát âm và cũng không có nhiều cơ hội để phát triển các kỹ năng ngôn ngữ của mình.

Ví dụ, một em bé ba tháng tuổi bị tự kỷ sẽ ít có khả năng tham gia vào trò chơi cười cùng với cha mẹ. Đến chín tháng, nếu em bé vẫn không hòa hợp với cha mẹ, em bé sẽ ít có khả năng chỉ ra những điều chúng muốn chia sẻ với cha mẹ. Đồng thời, em bé cũng ít có khả năng có phản xạ với cha mẹ khi gọi tên. Điều này có nghĩa là em bé đã bỏ lỡ những cơ hội này để xây dựng vốn từ vựng.

2. Hỗ trợ phát triển ngôn ngữ và kích thích phát âm cho trẻ tự kỷ

Tạo lý do để sử dụng ngôn ngữ

Nếu trẻ tự kỷ có lý do để sử dụng ngôn ngữ, tức kích thích phát âm, nhiều khả năng chúng sẽ thử sử dụng ngôn ngữ đó.

Cha mẹ hay người chăm sóc có thể tạo nhiều lý do linh hoạt để trẻ tự kỷ sử dụng ngôn ngữ như một phần của các hoạt động hàng ngày cùng nhau. Cố tình đặt đồ chơi yêu thích của trẻ ngoài tầm với để kích thích phát âm cho trẻ cần phải yêu cầu lấy chúng.

Khi trẻ bắt đầu biết phát âm, trẻ có thể dần dần được hướng dẫn thực hiện các hoạt động khó hơn. Ví dụ, có thể bắt đầu với việc trẻ chỉ nói “quả bóng” khi chúng muốn đưa quả bóng cho chúng, bước tiếp theo là dạy trẻ nói “chơi bóng” hay “đá bóng”.


kích thích phát âm cho trẻ
Cha mẹ nên tạo nhiều tình huống linh hoạt để kích thích phát âm cho trẻ

Chơi trò chơi ngôn ngữ

Chơi là cách để dạy trẻ học, bao gồm cả cách chúng học kích thích phát âm và đa dạng hóa cách sử dụng từ ngữ. Bằng cách chơi trò chơi với trẻ hoặc đơn giản là tham gia trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trong gia đình, cha mẹ hay người chăm sóc có thể tạo cơ hội cho trẻ phát triển ngôn ngữ hiệu quả hơn.

Mô hình hóa ngôn ngữ

Trẻ cần được hướng dẫn cách trả lời hoặc yêu cầu điều gì đó bằng cách sử dụng mô hình. Làm mẫu liên quan đến việc thể hiện lời nói và sử dụng các biểu hiện, cử chỉ trên khuôn mặt trước mặt trẻ. Điều đó cũng có nghĩa là “làm mẫu” cho trẻ những ví dụ về những gì trẻ cần phải học theo từng giai đoạn, ở trình độ phù hợp với trẻ.

Ví dụ: Cần nói ra những gì đang làm, chẳng hạn như nói “mở” khi mở cửa ra vào. Một cách khác, có thể nhận xét về những gì trẻ đang làm, chẳng hạn như nói “lạnh” khi trẻ đang ăn kem, uống nước đá.

Nếu nhận thấy trẻ đang cố gắng phát âm, người hướng dẫn nên chủ động làm mẫu những từ mà nghĩ rằng trẻ cần. Sử dụng các cụm từ chứa nhiều hơn 1-2 từ mà trẻ hiện đang sử dụng trong quá trình hướng dẫn kích thích phát âm. Ví dụ, nếu trẻ chưa biết nói, hãy làm mẫu 1-2 câu từ. Nếu trẻ đã nói được 2-3 câu từ có nghĩa, hãy lặp lại những gì trẻ nói nhưng thêm một vài từ nữa để chỉ cho trẻ cách xây dựng các câu dài hơn, nhiều ý hơn.

Xây dựng kỹ năng ngôn ngữ

Để phát triển ngôn ngữ, trẻ cần có những cơ hội thường xuyên, có ý nghĩa và kích thích phát âm để thực hành các kỹ năng ngôn ngữ cụ thể.

Ví dụ, người lớn nên thực hiện một số kỹ năng đơn giản hằng ngày như chào hỏi mọi người trước mặt trẻ để trẻ lặp lại. Ban đầu, trẻ có thể chỉ chào hỏi bằng ánh mắt khi gặp cha mẹ đi làm về. Bước tiếp theo có thể là giao tiếp bằng mắt và cử chỉ âu yếm, sau đó là kích thích phát âm để nói “chào”.

Diễn giải những nỗ lực giao tiếp của trẻ tự kỷ

Trẻ tự kỷ có thể không giao tiếp theo những cách giống như trẻ đang phát triển bình thường. Trẻ có thể chậm phát triển ngôn ngữ hơn, hoàn toàn không có ngôn ngữ hoặc gặp vấn đề nghiêm trọng trong việc hiểu hoặc sử dụng ngôn ngữ nói.

Giao tiếp ở trẻ tự kỷ có thể là phi ngôn ngữ hoặc chúng có thể sử dụng ngôn ngữ theo những cách khác thông thường hoặc cư xử theo những cách đặc biệt.


diễn giải ngôn ngữ của trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ khó phát âm nên chúng có thể sử dụng ngôn ngữ theo những cách riêng

Ví dụ, trẻ tự kỷ có thể nhìn, chỉ đồ vật hoặc lặp lại các cụm từ vô nghĩa. Lúc này, cần quan sát trẻ một cách cẩn thận sẽ giúp nhận thấy những nỗ lực của trẻ nhằm kích thích phát âm và tìm ra những gì trẻ đang cố gắng giao tiếp để hướng dẫn trẻ phát âm rõ nghĩa hơn.

Bên cạnh đó, trẻ cũng thường gặp khó khăn trong việc biết khi nào và làm thế nào để giao tiếp với mọi người theo những cách phù hợp với xã hội, như trẻ có thể không giao tiếp bằng mắt hoặc để người khác thay phiên trò chuyện với mình.

Như vậy, để tạo ra phản xạ kích thích phát âm cho trẻ tự kỷ, cần phải:

Giải thích bằng cách lặp lại liên tục để trẻ hiểu những gì người khác nói với mình (ngôn ngữ tiếp thu)

Thể hiện bản thân bằng cách sử dụng lời nói và cử chỉ (ngôn ngữ biểu cảm)

Sử dụng các kỹ năng ngôn ngữ tiếp thu và diễn đạt theo những cách phù hợp với xã hội

Nhìn chung, đây là một quá trình đòi hỏi tính kiên nhẫn lâu dài, lặp đi lặp lại để tạo phản xạ cho trẻ. Vì không trẻ nào giống trẻ nào, không có công thức chung cho việc phát triển ngôn ngữ ở trẻ tự kỷ. Quyết định cốt lõi cho sự thành công trong giáo dục ngôn ngữ ở trẻ tự kỷ vẫn là kiên trì thực hiện theo các bước nêu trên và từng bước hình thành, phát triển.

Tóm lại, trẻ tự kỷ có thể gặp khó khăn trong việc học và sử dụng ngôn ngữ. Thiếu quan tâm đến người khác sẽ khiến cho trẻ tự kỷ có ít cơ hội sử dụng và thực hành ngôn ngữ hơn. Do đó, kích thích phát âm cho trẻ có bản chất giúp trẻ tự kỷ học ngôn ngữ bằng cách tạo ra lý do để sử dụng ngôn ngữ, chơi, làm mẫu và sử dụng ngôn ngữ phù hợp với các hoàn cảnh xã hội nói chung.

Nguồn tham khảo: nidcd.nih.gov, raisingchildren.net.au

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/phat-trien-ngon-ngu-o-tre-tu-ky/

Cảnh giác trẻ trầm cảm vì áp lực gia đình Previous post Cảnh giác trẻ trầm cảm vì áp lực gia đình
Các mốc phát triển mà trẻ nhỏ nên đạt được Next post Các mốc phát triển mà trẻ nhỏ nên đạt được