Nuôi dưỡng khi trẻ bệnh

Nuôi dưỡng khi trẻ bệnh

Bài viết được viết bởi TS.BS Phan Nguyễn Thanh Bình – Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Chán ăn và các rối loạn tiêu hoá khi trẻ bệnh luôn làm các bậc cha mẹ lo lắng và lúng túng trong việc chăm sóc dinh dưỡng. Vậy nuôi dưỡng trẻ giai đoạn bệnh như thế nào để giúp trẻ mau khỏi bệnh và mau chóng hồi phục? Bài viết tập trung vào 2 bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ: nhiễm khuẩn hô hấp cấp và tiêu chảy cấp.

1. Nhiễm khuẩn đường hô hấp

Trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn bình thường trong khi trẻ thường chán ăn hoặc buồn nôn, nôn. Nếu chế độ ăn thiếu dinh dưỡng so với nhu cầu thực tế, trẻ dễ bị sút cân, suy dinh dưỡng và kéo dài thời gian khỏi bệnh.

>>> Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp ở trẻ em

1.1 Nguyên tắc chung

  • Kiên trì, khuyến khích trẻ ăn, uống
  • Cho trẻ ăn nhiều bữa, mỗi bữa một ít
  • Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu hoá và giàu dinh dưỡng
  • Đa dạng bữa ăn, cho trẻ ăn thức ăn trẻ thích để kích thích sự thèm ăn
  • Nếu trẻ bú mẹ: tiếp tục cho bú mẹ nhiều lần hơn và thời gian bú lâu hơn

1.2 Giai đoạn nhiễm khuẩn cấp

  • Trẻ dưới 6 tháng bú mẹ: cho trẻ bú nhiều lần hơn và thời gian mỗi lần bú lâu hơn bình thường. Nếu trẻ không ngậm bú được, mẹ cần vắt sữa đút cho trẻ bằng thìa.
  • Trẻ bú sữa công thức: cho trẻ bú nhiều lần hơn
  • Trẻ đã ăn dặm:
  • Cần cho ăn bột, cháo loãng hơn bình thường nhưng vẫn giữ nguyên tắc đủ 4 nhóm thực phẩm.
  • Cần thay đổi thức ăn và cho trẻ những loại thức ăn trẻ thích để khuyến khích trẻ ăn được nhiều, kích thích sự thèm ăn.
  • Cố gắng tăng dần lượng đạm (2-3g/kg/ngày) và năng lượng (100kcal/kg/ngày) và đậm độ năng lượng bằng chất béo (30%)
  • Tăng cường vitamin và chất khoáng, đặc biệt vitamin C và vitamin nhóm B, vitamin A.

Sữa mẹ có tự hết khi không cho con bú?
Cha mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần hơn trong giai đoạn nhiễm khuẩn cấp

1.3 Giai đoạn lui bệnh

  • Cần cho trẻ ăn tăng dần trở về chế độ bình thường, sau đó là chế độ ăn hồi phục.
  • Chế độ ăn hồi phục là chế độ ăn giàu năng lượng, chất đạm và dưỡng chất bằng cách tăng thêm cữ, tăng thêm lượng và/hoặc tăng đậm độ năng lượng và dưỡng chất cho đến khi trẻ tăng cân trở lại và đạt mức tăng trưởng bình thường.

2. Tiêu chảy cấp

Trẻ em bị tiêu chảy thường bị suy dinh dưỡng, mất nước – điện giải và có thể dẫn tới tử vong Suy dinh dưỡng và tiêu chảy thường liên quan chặt chẽ với nhau. Trẻ suy dinh dưỡng thường bị tiêu chảy và khi bị tiêu chảy sẽ gây nên suy dinh dưỡng và làm cho suy dinh dưỡng nặng hơn.

>>> Dấu hiệu mất nước và cách xử trí trẻ bị tiêu chảy cấp

Khi bị tiêu chảy thì cơ thể trẻ sẽ giảm hấp thu các chất dinh dưỡng và thường kém ăn, ăn không ngon miệng, đồng thời có những bà mẹ ngừng cho con ăn hoặc kiêng khem quá mức khi trẻ bị tiêu chảy.

2.1 Nguyên tắc chung

  • Bù nước, điện giải
  • Cho trẻ ăn nhiều bữa, mỗi bữa một ít
  • Cho trẻ ăn thức ăn mềm, nấu kỹ, dễ tiêu hoá và giàu dinh dưỡng
  • Chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh nguy cơ bội nhiễm

2.2 Giai đoạn tiêu chảy cấp

Bù nước – điện giải

Trẻ bị tiêu chảy cần được bù nước, điện giải để bù lại lượng dịch mất qua phân và nôn. Nếu cho trẻ uống đủ lượng dịch ngay khi mới bị tiêu chảy thì có thể phòng được mất nước.

+ Mất nước vừa, nặng: điều trị tại cơ sở y tế

+ Mất nước nhẹ: cho trẻ bù nước tại nhà, uống nhiều nước hơn bình thường bằng:

  • Bú mẹ
  • Dung dịch Oresol
  • Nước đun sôi để nguội
  • Các dung dịch chế từ thực phẩm bổ sung muối như nước cháo muối, nước gạo rang 50g gạo+ 3,5g muối+ 1 lít nước đun nhừ), súp cà rốt+ muối, nước trái cây

Trẻ bị tiêu chảy cấp có thể được điều trị tại nhà bằng orestol
Bổ sung dung dịch Oresol theo chỉ định của bác sĩ Nhi khoa

Nuôi dưỡng

  • Trẻ dưới 6 tháng đang bú mẹ: tiếp tục bú bình thường, tăng số lần bú
  • Trẻ bú sữa công thức: tiếp tục duy trì, uống đủ lượng sữa bột, có thể pha loãng 1⁄2 trong 2 ngày đầu để bù nước
  • Trẻ đã ăn dặm: đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm, có thể chia nhỏ bữa, nấu mềm hơn.

Số lượng và số lần ăn: Cho trẻ ăn ít và nhiều lần thì tốt hơn là ăn nhiều nhưng ít lần Cứ 2-3 giờ cho trẻ ăn một lần, khoảng 6 lần trong ngày.

Loại thức ăn: đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm, chọn lựa các thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, trứng, sữa, cá,… Cần cho thêm dầu mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần. Cho trẻ ăn thêm các loại trái cây chín hoặc nước trái cây giàu kali như chuối, cam, chanh, xoài, nước dừa, đu đủ,…

Cách chế biến: thức ăn mềm, nấu kỹ, dễ tiêu hóa và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm.

  • Thức ăn nên tránh: nước giải khát công nghiệp (ngọt, màu), thức ăn thức uống ngọt, nhiều đường và thực phẩm có nhiều chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt vì khó tiêu hóa.

Chú ý: Súp và cháo loãng chỉ là các dung dịch để bù nước, không nên coi là thức ăn vì không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.

2.3 Giai đoạn phục hồi

Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ nhanh phục hồi và không suy dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa nữa trong 2 tuần liền. Với trẻ tiêu chảy kéo dài cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa và kéo dài tối thiểu 1 tháng.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/nuoi-duong-khi-tre-benh/

Làm thế nào để ngừng phát triển chiều cao? Previous post Làm thế nào để ngừng phát triển chiều cao?
Rối loạn chuyển hóa axit béo ở trẻ sơ sinh Next post Rối loạn chuyển hóa axit béo ở trẻ sơ sinh