Những lưu ý khi làm việc với trẻ nhỏ

Những lưu ý khi làm việc với trẻ nhỏ

Bài viết được viết bởi ThS Trần Ngọc Ly – Chuyên viên Tâm lý tại đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Công việc hàng ngày của tôi là thăm khám và trị liệu cho trẻ có rối loạn phát triển, chậm nói, rối loạn hành vi cảm xúc… Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy mỗi trẻ em là một cá thể khác biệt, và cần có cách ứng xử riêng với từng trẻ. Khi tương tác với trẻ, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề như sau:

1. Quan sát trẻ

Mỗi đứa trẻ là một nguồn tiềm năng bất tận. Cũng giống như người lớn, trẻ có nhiều đặc điểm mà không phải lúc nào cũng bộc lộ ra hết. Vì vậy, việc đầu tiên và quan trọng nhất khi làm việc với mỗi đứa trẻ là quan sát chúng. Quan sát được hiểu là việc nhìn, để ý và ghi nhớ các đặc điểm của trẻ, so sánh ở những môi trường khác nhau và phác thảo được chân dung chúng một cách toàn diện nhất.

Một số điều cần quan sát ở trẻ là:

Điểm mạnh hoặc điểm yếu của trẻ: người lớn nên nhận biết được những thành tựu của trẻ, hoặc những gì trẻ làm tốt, vùng phát triển gần nhất của trẻ ở lĩnh vực đó là gì. Bên cạnh đó người lớn cũng cần biết rằng đứa trẻ đang hạn chế ở những lĩnh vực gì, và trẻ gặp khó khăn ở đâu để hỗ trợ trẻ. Ví dụ: một trẻ tự kỷ gặp khó khăn về giao tiếp, chưa biết đòi hỏi đúng cách, tuy nhiên trẻ có thể thực hiện các bài tập vận động tinh khá tốt, như là học cách xâu hạt, học cách cầm đũa… Nên khi làm việc với trẻ, người lớn có thể giao cho trẻ nhiều bài tập về vận động tinh, mở rộng độ khó để trẻ cố gắng vươn tới mục tiêu mới, hoặc cần nhờ người lớn giúp đỡ, để tăng cường khả năng giao tiếp cho trẻ.

Mức độ chơi của trẻ: người lớn cần quan sát để biết trẻ đang ở mức độ chơi như thế nào, trẻ chơi khám phá với đồ chơi, hay trẻ đã có thể chơi kết hợp với người khác, trẻ đã biết chơi giả vờ chưa. Việc biết mức độ chơi của trẻ với mục đích hiểu và hướng dẫn trẻ mở rộng cách chơi

Cách trẻ chơi với đồ chơi: chơi lần lượt từng món đồ hay đổ hết cả ra rồi lại để đó, chơi nhẹ tay hay là ném thật mạnh, cách trẻ chuyển hoạt động chơi như thế nào, trẻ thích chơi một mình hay muốn chia sẻ với những người khác…

Cách trẻ thể hiện nhu cầu: trẻ sẽ thể hiện nhu cầu bằng việc nói với người khác, hay là kéo tay, hay là khóc nhè, việc thể hiện nhu cầu của trẻ là phù hợp với độ tuổi hay chưa, trẻ có sử dụng ngôn ngữ kết hợp với ánh mắt khi đòi hỏi người khác không….

Thái độ của trẻ khi mà người lớn tương tác với trẻ: trẻ có dễ dàng tương tác khi người khác rủ chơi không, trẻ có thể thỏa hiệp khi người lớn trao đổi các vấn đề về quy tắc không, hay trẻ sẽ chỉ muốn thực hiện theo ý thích của mình….

Những ngôn ngữ mà trẻ hay sử dụng: ngôn ngữ của trẻ nhỏ phản ánh những gì trẻ nhìn thấy và nghe thấy trong cuộc sống. Qua ngôn ngữ của trẻ, chúng ta sẽ biết được hàng ngày trẻ nghe thấy những gì, trẻ được dạy những nội dung gì. Ngoài ra, qua việc quan sát giọng điệu của lời nói, tần suất lời nói… của trẻ, chúng ta cũng sẽ thấy được tính cách của trẻ, nhút nhát, rụt rè hay bạo dạn…

Những hành vi mà trẻ hay thể hiện: những hành động của trẻ cũng sẽ thể hiện tính cách của trẻ, và môi trường trẻ tiếp xúc hàng ngày. Ví dụ: một em bé tự lập có thể tự đi lấy đồ cho mình, sẽ thể hiện khác với một em bé được chiều chuộng và giúp đỡ; hoặc việc trẻ cất đồ chơi nhẹ nhàng cũng khác với việc trẻ cầm và ném đồ chơi….

Trong giáo dục, các giáo viên thường nói với nhau “Dạy trẻ ít đi, quan sát trẻ nhiều lên” bởi quan sát là cách hiểu được trẻ rõ ràng, chính xác và có thể đưa ra các bài tập phù hợp với khả năng của trẻ.

2. Chờ đợi

Việc chờ đợi ở đây được hiểu là người lớn sẽ dừng lại, chờ trẻ phản hồi lại những đề nghị của người lớn, hoặc chờ đợi trẻ chủ động thể hiện bản thân mình.

– Sau khi đưa ra yêu cầu, người lớn nên chờ để trẻ có thời gian phản hồi lại. Khi người lớn hướng dẫn trẻ đi dép, người lớn có thể chờ để trẻ tự làm việc đó, trước khi giúp trẻ hoặc càu nhàu nếu trẻ chưa thực hiện ngay. Bởi tốc độ thực hiện của trẻ chậm hơn của người lớn, tốc độ xử lý thông tin của trẻ cũng sẽ chậm hơn của người lớn…. Nên trẻ cần có thời gian để xử lý và thực hiện những việc đó.

– Khi trẻ có nhu cầu, người lớn hãy chờ đợi để trẻ được chủ động bày tỏ nhu cầu của mình. Ví dụ: khi trẻ cần lấy giúp cái bánh ở trên cao, người lớn có thể chờ xem trẻ phản ứng thế nào hoặc để ở một vị trí thấp hơn, nhưng trẻ vẫn cần cố gắng để lấy được. Trong tình huống này, việc người lớn chưa giúp đỡ sẽ để trẻ có cơ hội được tự thể hiện bằng cách kéo tay hoặc nói lời nhờ vả….

3. Cách thức tương tác với trẻ

Khi giao tiếp với trẻ, đặc biệt là với trẻ nhỏ, cha mẹ và người chăm sóc có thể để ý tới những vấn đề sau:

– Nói bằng những câu đơn giản để báo trước mọi hoạt động với trẻ, ví dụ: “Con ơi mình cất đồ chơi nhé”

– Sử dụng các từ ngắn, cốt lõi khi giao tiếp với trẻ. Việc này được thể hiện khi đưa ra yêu cầu, khi mô tả hành vi của trẻ với những lời nói dứt khoát, rõ ràng

– Chờ trẻ thực hiện và có những phản hồi tương ứng

– Luôn nói lời yêu thương, tích cực hướng tới trẻ

– Tạo cho trẻ hứng thú và chủ động tham gia vào trò chơi theo cách trẻ muốn sẽ khiến trẻ hợp tác hơn

– Trao quyền cho trẻ trong khả năng của trẻ: để trẻ tự lựa chọn hoạt động mình mong muốn

4. Cách thức hỗ trợ trẻ

Khi hướng dẫn hoặc cần hỗ trợ trẻ thực hiện theo yêu cầu, người lớn nên lưu ý tới các mức độ hướng dẫn hoặc các mức độ hỗ trợ trẻ như sau:

– Yêu cầu bằng lời nói kèm cử chỉ/ hoặc không kèm

– Làm mẫu để trẻ quan sát và bắt chước theo

– Cầm tay trẻ và hướng dẫn trẻ cùng làm

– Tạo ra những khoảng dừng lại và chờ đợi để trẻ có động thái tiếp theo

Việc người lớn xác định được cách thức hỗ trợ phù hợp với trẻ sẽ giúp trẻ phát huy được khả năng của bản thân. Ví dụ: với một em bé chưa biết cầm thìa, người lớn có thể làm mẫu việc cầm thìa để em bé nhìn, hoặc cầm tay giúp đỡ để em bé hiểu rõ hơn về việc mình cần làm. Còn nếu em bé đã biết cầm thìa để xúc ăn rồi, mà người lớn vẫn làm giúp hoàn toàn thì lại khiến em bé không có cơ hội để tự lập. Tương tự, kể cả khi dạy trẻ lớn về đọc số, đọc sách, tập viết… người lớn cũng cần quan sát và đưa ra cách thức hỗ trợ phù hợp với khả năng hiện tại của trẻ.

5. Tận dụng từng sở thích và đặc điểm nổi bật của trẻ

Mỗi đứa trẻ sẽ có những sở thích riêng, có bé thích chơi giả vờ, có bé thích chơi với những khối gỗ, có bé thích vận động. Nhiệm vụ của người lớn là dựa vào những hoạt động mà trẻ yêu thích để hướng dẫn trẻ về những kỹ năng trong cuộc sống. Như với những bé thích chơi giả vờ, cha mẹ có thể giúp trẻ mô phỏng các tình huống như đi siêu thị, như làm bác sĩ hoặc đóng giả làm nhân viên xe buýt… để trẻ được học cách ứng xử và đóng vai khác nhau. Với những trẻ thích chơi với khối gỗ, người lớn có thể hướng dẫn trẻ cách xếp các hình dạng khác nhau, tập đếm với các khối gỗ, các bài tập về số và lượng… Việc xác định được sở thích của trẻ sẽ giúp người lớn tạo ra được nhiều hoạt động cho trẻ, cũng như dễ kết nối với trẻ hơn.

Những lưu ý này không chỉ hữu dụng cho người lớn khi làm việc với trẻ nhỏ, mà ngay cả trong cuộc sống thường ngày, khi chơi, khi giao tiếp, chúng ta cũng đều có thể áp dụng. Khi đứa trẻ được chú ý đúng cách, chúng sẽ có cơ hội để thể hiện điểm mạnh của mình tốt hơn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/nhung-luu-y-khi-lam-viec-voi-tre-nho/

Diễn biến bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em Previous post Diễn biến bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Xơ gan giai đoạn cuối sống được bao lâu? Next post Xơ gan giai đoạn cuối sống được bao lâu?