Người lớn cần “TÂM AN” thì trẻ con mới “NGOAN”

Người lớn cần “TÂM AN” thì trẻ con mới “NGOAN”

Bài viết được viết bởi ThS Trần Ngọc Ly – Chuyên viên Tâm lý tại đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Ví dụ

Trong quá trình thăm khám trẻ, tôi gặp khá nhiều trường hợp các bạn tăng động hoặc có những cơn bùng nổ. Có một số bé gào khóc, lăn ra đất ăn vạ, đập đầu hoặc cào cấu người khác. Thỉnh thoảng, tôi sẽ dùng các đồ chơi phát ra các tiếng động mạnh, hoặc bật nhạc to kèm với hò hét, để át đi tiếng khóc của trẻ, và dễ dàng thu hút sự chú ý của trẻ hơn. Cách thức đó có kết quả nhưng sẽ khiến tôi nhanh chóng bị mệt và kiệt sức. Sau này, tôi thay đổi cách thức thực hiện nhẹ nhàng hơn. Tôi lại gần đứa bé và hát những bài hát với giai điệu nhẹ nhàng, trầm lắng, chẳng hạn như:

Rì rào là sóng vỗ

Bên chân em nhịp nhàng

Dưới nước xanh cá nhỏ

Trên cát vàng ốc xinh

Mây trắng bay cùng gió

Trên trời cao nhẹ tênh

Em bé và ba mẹ

Yêu cuộc sống thanh bình

Tất nhiên sẽ mất một vài phút ban đầu, trẻ vẫn dở dang trong cơn kích động của mình. Nhưng tôi vẫn ở cạnh, thì thầm hát cho trẻ nghe với giọng điệu nhẹ nhàng và thản nhiên hết sức có thể. Bên cạnh đó, tôi lại gần và mát xa hoặc vỗ nhẹ lên người trẻ. Quả nhiên, chỉ mất 5 phút, trẻ đã dịu lại cơn bực bội và quay ra nhìn tôi cười thích thú. Một lần khác, tôi gặp một trẻ 10 tuổi, đang học lớp 5. Em được đưa đến khám với lý do là dạo này hay cáu gắt, đánh em, và có một số hành vi tic (gật đầu, gõ tay xuống bàn…). Trong quá trình thực hiện test Raven (một dạng trắc nghiệm trí tuệ về logic không gian), trẻ chịu khó quan sát, thực hiện bài test nhanh, không thể hiện hành vi tic nào. Điều tôi thấy đáng lưu ý là việc do dự ở một vài đáp án, muốn tiếp tục suy nghĩ để tìm được kết quả đúng nhất. Hoạt động tiếp theo là vẽ tranh, trẻ lại viết ra bảng thành tích của mình và ghi lại những dự định trong thời gian tới – nhưng liên quan đến kết quả học tập. Sau đó, tôi tiến hành hỏi một số chuyện của trẻ ở lớp và ở nhà. Trẻ thể hiện rõ sự lo âu và kỳ vọng cao đến thành thích học tập của mình, và tiết lộ một vài hành vi chưa phù hợp của bố mẹ khi trẻ có những hành vi tic. Em ấy thể hiện trạng thái lo âu, phấp phỏng rõ rệt trong quá trình trò chuyện. Ngay sau đó, tôi tắt bớt đèn, mở âm thanh tiếng chuông “Coong… Coonnnnnnng…”, và hướng dẫn em thư giãn trong hai phút. Bài thư giãn được lựa chọn rất đơn giản, hướng dẫn trẻ nhắm mắt, đặt tay lên bụng, quan sát bụng mỗi lần phồng lên xẹp xuống do chuyển động của nhịp thở. Một lát sau, tôi thấy em kể chuyện cho tôi với giọng nói to, rõ ràng và câu chuyện mạch lạc hơn so với lúc đầu. Cuổi buổi khám, tôi gặp riêng bố mẹ để trao đổi về tình hình của trẻ, đồng thời hướng dẫn bố mẹ làm bài tập thư giãn cho em khi về nhà. Yêu cầu đưa ra khi bố mẹ thực hành với con là sẽ thực hành khi em ấy đang ở trạng thái thư giãn nhất, và nhắc nhở thực hành khi em ấy có những bực dọc trong người, không quá chú trọng đến câu hỏi “Con thấy đỡ hơn không?” để gây áp lực cho em ấy.

Quay trở lại chủ đề của bài viết – “Tâm an”, ai sẽ là người cần “tâm an”? Trong ví dụ đầu tiên, em bé tự kỷ bị kích động vì mẹ không ở cạnh, em khó chịu và khóc, lăn ra đất, bởi vì em cảm thấy không an toàn. Ở trường hợp này, người thứ hai có thể không “an” là tôi hoặc bất kỳ ai ở cạnh em – khi ấy sẽ lo rằng không biết nên dỗ dành em thế nào. Nhưng tôi đã lựa chọn việc vỗ về em, hát nhẹ nhàng và thủ thỉ để tránh đẩy cơn kích động của em lên cao trào. Trong trường hợp thứ hai, cậu bé đang có những lo âu, trong lòng cảm thấy không an toàn với những mong cầu lớn – là một người đang không “an”. Và người bên cạnh, lúc đó là tôi hoặc những người chứng kiến, đều có thể bị cộng hưởng cảm xúc từ cậu, có thể sẽ là lo lắng về việc không hỗ trợ được cậu nhiều. Tiếp theo người không “an” đó chính là những ông bố, bà mẹ đưa con đi khám, khi chứng kiến con có những hành vi chưa phù hợp như vậy.

2. Thế nào là “Tâm an”

Tâm an là trạng thái sáng suốt tĩnh lặng của sự ôn hòa thư thái – nói dễ hiểu, là trạng thái mà con người cảm thấy an toàn, thấy đầy đủ, được che chở, để họ không có những hành vi xung động hoặc không cảm thấy khó chịu với những thứ xung quanh.

Tâm an là khi chúng ta không cảm thấy khó chịu với những sự việc xung quanh, hoặc khi gặp sự việc bất như ý thì họ đều trải qua dễ dàng, mà không để lại hành vi/lời nói nào gây tổn thương cho người khác. Lúc đó, chúng ta nhìn thấy mọi việc một cách rõ nét, không kèm theo sự bực bội hoặc khó chịu, hoặc đơn giản là nhìn nhận mọi việc đến với mình một cách bình tĩnh. Quan trọng, trong tâm trí của chúng takhông vương vấn những chuyện lo lắng hoặc không có quá nhiều cảm xúc tiêu cực chi phối. Trạng thái “tâm an” của bố mẹ sẽ thể hiện rõ rệt thông qua nét mặt (thư thái), giọng nói (nhẹ nhàng, chậm rãi), hành vi (khiêm tốn), biết chờ đợi… Cứ thử tưởng tượng xem, một người bố cứ giục con phải nói, phải ăn nhanh… thì đã thấy người bố đó cũng sốt ruột, và khả năng chờ đợi cũng hạn chế rồi!

3. Thế nào là “Con ngoan”

Con ngoan có phải là con nghe lời bố mẹ và con sẽ thực hiện tốt mọi công việc mà bố mẹ yêu cầu không? Cách hiểu này chỉ đúng một phần. Đứa trẻ ngoan sẽ có những thể hiện cảm xúc và hành vi phù hợp, em ấy sẽ biết thích nghi với hoàn cảnh, biết thỏa hiệp với người khác, biết nhận diện và kiểm soát hành vi của mình, tập trung thực hiện các hoạt động được giao, không làm ảnh hưởng đến người khác nhiều. Đặc biệt, em bé ngoan sẽ được phát triển đầy đủ các mốc phát triển của mình và được thể hiện những ưu điểm của mình ở mức tối đa. Ví dụ, ở những đứa trẻ, ăn ngoan là ăn được nhiều món ăn một cách ngon lành, biết trân trọng những đồ ăn mà mình có, trẻ ăn uống một cách tự nguyện và độc lập mà không cần phải có người lớn thúc giục hoặc cần có ti vi, điện thoại. Đứa trẻ “ngoan” còn thể hiện qua việc chủ động chơi và giữ gìn đồ chơi, hòa nhập và chia sẻ đồ chơi với các bạn; còn là việc trẻ thích ứng với môi trường mới nhanh mà không bám người thân…

Còn vai trò của “ngoan” ở bố mẹ/hoặc những người chăm sóc trẻ là như thế nào? Là khi bố mẹ không bị bận tâm bởi những việc khác trong lúc chơi với con, khi bố mẹ thu xếp được thời gian rạch ròi giữa làm việc và cho con đi chơi, là khi bố mẹ có những hành vi ứng xử phù hợp với nhau và với con cái. Bố mẹ biết tôn trọng, lắng nghe và sửa chữa những hành vi chưa phù hợp của mình. Bên cạnh đó, họ còn biết lắng nghe và tôn trọng con như những người bạn…

4. “Tâm an” thì “con sẽ ngoan” như thế nào

Ở vào địa vị là người lớn, chúng ta biết nhiều thứ, có thể giảng giải nhiều vấn đề cho trẻ, và cũng dễ có xu hướng đàn áp trẻ. Khi trẻ va vấp phải một vấn đề nào đó, lập tức là cha mẹ/ thày cô giáo sẽ nổi lên một số hành vi mong cầu, hoặc nổi sân như: mong muốn trẻ phải tự giải quyết vấn đề thật tốt, yêu cầu trẻ thật khéo tay không làm rơi đồ, yêu cầu trẻ cãi nhau thì phải biết tự giải quyết, hoặc quát mắng trẻ vì trót làm đổ cốc nước, hay là đánh trẻ vì làm hỏng đồ chơi. Lúc đó bố mẹ có những cảm xúc tiêu cực, thấy không “an” và để cảm xúc đó chi phối hành vi của mình rồi. Vậy trong trường hợp đó, các em bé sẽ thế nào? Việc chúng cãi lại, chúng gầm gừ khóc lóc, chúng đánh bố mẹ… xảy ra cũng dễ hiểu phải không? Hoặc với cô giáo mà mắng học sinh, hoặc có những bực bội từ nhà mà chưa xử lý được, lại thấy học sinh chưa làm bài mà mắng trẻ ngay giữa lớp… Như vậy chẳng phải người lớn không an tâm thì sẽ thấy và làm cho trẻ “hư” sao?

Với bố mẹ, khi mà họ chấp nhận những đặc điểm của đứa trẻ sẽ sinh ra sự thông cảm và thấu hiểu trẻ. Ví dụ: trẻ khóc vì bị ngã đau, bố mẹ biết con đau và vỗ về con, sẽ khiến trẻ cảm thấy được nâng niu hơn là bị quát “Có thể mà cũng ngã”. Trong trường hợp như thế này, bố mẹ không bực bội vì con đi bị ngã, mà thấy thương cảm với trẻ nhiều hơn. Từ đó, bố mẹ sẽ không có những câu nói hoặc hành vi không phù hợp với trẻ. Khi ứng xử với trẻ, không ít người lớn, kể cả bố mẹ lẫn giáo viên sẽ để cho cảm xúc chi phối hành vi của mình, thường là những cảm xúc tiêu cực, như: cáu giận một việc ở cơ quan hoặc với đồng nghiệp, mệt mỏi vì nhiều việc, tự ti vì mình làm công việc chưa tốt, bực bội vì bị sếp mắng…. Việc phạt hoặc trách mắng trẻ không hẳn là có tác dụng xấu, nhưng hành vi trách mắng trẻ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tiêu cực thì sẽ gây ra những hậu quả nuối tiếc. Và một điều hiển nhiên, đứa trẻ sẽ phải chịu tổn thương vì những hành vi đó. Nếu tìm hiểu về 5 cấp độ làm bố mẹ, thì chúng ta sẽ thấy, những cha mẹ thường trách mắng và kiểm soát con, ẩn sâu bên dưới là những bố mẹ cũng có các nỗi đau về tinh thần, và họ đang áp dụng việc chữa lành “sai lầm” trên chính con của họ. Những đứa trẻ của các cha mẹ cấp độ 1 thì sẽ phát triển theo hai xu hướng, hoặc là chúng rất cam chịu, nhẫn nhục, hoặc là chúng sẽ nổi loạn, chống đối. Như vậy những đứa trẻ đó có “ngoan” không? Hay chúng cũng đang phải chịu đựng những thương tổn bên trong do bố mẹ chúng không “an” được?

Còn khi bố mẹ luôn kiểm soát được cảm xúc của mình, không để nó ảnh hưởng đến hành vi của mình, bằng chuỗi “dừng lại – lắng nghe – suy ngẫm – nghĩ các giải pháp – thực hiện” thì sẽ có những hành vi ứng xử với con phù hợp hơn. Bởi vì ngay khi bố mẹ chọn “dừng lại” trước khi hành động, hít thở khoảng 10 giây, đã có tác dụng rất to lớn để thay đổi quán tính cảm xúc bực tức – hành vi bực tức của bản thân mình rồi.

Tương tự, với các thày cô giáo cũng vậy, các thày cô giáo cũng sẽ gặp nhiều hành vi không phù hợp của trẻ, hoặc là những hành vi gây rối, hoặc là những hành vi mè nheo… Nếu họ dừng lại, hít thở nhẹ nhàng cũng sẽ có những hành xử hợp lý hơn với con trẻ. Đó là khi tâm họ “an”, thì đứa trẻ sẽ được nâng niu vỗ về và được khơi gợi rất nhiều. Ngoài ra, các thày cô giáo mà tâm an thì sẽ có cách để làm việc với trẻ khách quan và không cần gây áp lực cho đứa trẻ.

Lấy ví dụ về tiếng khóc của trẻ, khi đứa trẻ khóc vì bất cứ lý do gì thì tiếng khóc đó luôn là điều đáng kinh khủng với người lớn. Nếu như lúc ấy, người lớn cũng bực bội, nóng giận thì sẽ có thể sẽ quát mắng, hoặc đánh đứa trẻ, khiến nó khóc to hơn và cuộc mâu thuẫn sẽ lên tới đỉnh điểm. Nhưng lúc đó, người lớn chỉ cần hít thở, bình tĩnh trong lòng, không thấy việc trẻ khóc là điều quá nặng nề thì sẽ có cách an ủi trẻ, để trẻ kiểm soát được hành vi của mình và không để mâu thuẫn dâng lên cao. Nguyên lý này có thể áp dụng cả khi đứa trẻ mới đến trường. Khi mới đi học, các con sẽ không tránh khỏi sự bỡ ngỡ và lo sơ. Nếu bố mẹ nhìn nhận việc con đi học là một điều thú vị và mới mẻ, điều đó sẽ thể hiện qua từng lời nói, nét mặt của bố mẹ. Nếu bố mẹ lo lắng, sợ hãi việc con khóc cũng sẽ thể hiện hết qua hành vi của mình. Đứa trẻ sẽ nhìn thấy cách ứng xử của bố mẹ trong trường hợp đó để biết môi trường của mình có an toàn không, và nó sẽ có cảm xúc tương ứng với bố mẹ mình. Bố mẹ càng lo thì con dễ gặp nhiều vấn đề. Bố mẹ bớt lo lắng, lo sợ về việc con khóc khi tách mẹ thì con mới yên tâm….

Trên đây là một vài ví dụ về mối quan hệ cảm xúc giữa người lớn và trẻ nhỏ. Các bố mẹ và thày cô giáo có thể tham khảo thêm các khóa học về ứng dụng trí tuệ cảm xúc để tránh được những tổn thương cho cả mình lẫn trẻ nhỏ.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/nguoi-lon-can-tam-an-thi-tre-con-moi-ngoan/

Bố mẹ nên mua đồ chơi gì cho trẻ 1-2 tuổi? Previous post Bố mẹ nên mua đồ chơi gì cho trẻ 1-2 tuổi?
Một số chiến lược hỗ trợ trẻ tự kỷ trong giáo dục hoà nhập Next post Một số chiến lược hỗ trợ trẻ tự kỷ trong giáo dục hoà nhập