Khi nào cần dùng thuốc kháng sinh cho trẻ em bị viêm họng?

Khi nào cần dùng thuốc kháng sinh cho trẻ em bị viêm họng?

Viêm họng ở trẻ em là tình trạng rất thường xuyên xảy ra, lúc này cha mẹ tuyệt đối đừng vội dùng kháng sinh ngay. Trong hầu hết trường hợp thuốc kháng sinh cho trẻ em bị viêm họng là không cần thiết. Vậy khi nào cần dùng kháng sinh cho bé bị viêm họng?

1. Trẻ bị viêm họng nguyên nhân là do đâu?

Trên thực tế 70-80% trường hợp viêm họng ở trẻ em là do virus gây ra. Các trường hợp viêm họng còn lại là do vi khuẩn, thường do liên cầu gây bệnh.

Như vậy có thể thấy cứ mỗi 10 trẻ bị viêm họng chỉ có 2-3 trẻ cần dùng kháng sinh cho bé bị viêm họng. Số trẻ còn lại không cần dùng đến thuốc kháng sinh vì nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus. Lúc này biện pháp điều trị viêm họng do virus ở trẻ chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Ngoài 2 tác nhân gây bệnh chính nêu trên còn một số số tác nhân có thể gây viêm họng không phải do nhiễm trùng như: tình trạng dị ứng, khô họng do trẻ thở bằng miệng thường xuyên…

Khi thời tiết thay đổi, các bệnh lý đường hô hấp trong đó có viêm họng ở trẻ em thường có xu hướng gia tăng. Việc các bậc phụ huynh cho con trẻ dùng thuốc kháng sinh ngay khi mới có triệu chứng là việc làm không cần thiết, gây tốn kém và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ gây kháng thuốc rất nguy hiểm cho trẻ về lâu về dài.

2. Trường hợp không cần dùng thuốc kháng sinh cho trẻ em bị viêm họng

Như đã đề cập, có một số triệu chứng trẻ bị viêm đường hô hấp trên không cần sử dụng đến kháng sinh: Trẻ có các biểu hiện viêm kết mạc, chảy mũi, ho, tiêu chảy, phát ban dạng vi rút.. các bố mẹ hãy bình tĩnh theo dõi con tại nhà (hoặc đi khám):

  • Đa số trường hợp viêm họng sẽ tự khỏi trong 1-2 tuần;
  • Phụ huynh cần tiến hành vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, vệ sinh sạch sẽ răng miệng, cho trẻ súc miệng bằng nước muối, ăn thức ăn loãng, uống nhiều nước ấm để hỗ trợ loãng dịch đờm dãi.
  • Nếu trẻ bị viêm họng kèm theo sốt trên 38.5 độ C, phụ huynh hãy cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol theo cân nặng: liều 10-15mg/kg/lần. 4-6 giờ/ lần, ngày không quá 5 lần;
  • Nếu trẻ ho nhiều, nên cho trẻ đi khám để được hướng dẫn sử dụng loại thuốc điều trị ho phù hợp.
  • Khò họng: Nếu trẻ lớn từ 6 tuổi trở lên hoặc trẻ đã biết khò họng, cha mẹ có thể cho trẻ khò dung dịch povidone-iodine 1% để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng họng. Lưu ý nhớ nhắc trẻ nhổ ra, không được nuốt và sau cũng phải khò lại bằng nước muối sinh lý. Nếu trẻ không khò được bằng dung dịch povidone-iodine 1%, cha mẹ có thể chỉ cho trẻ khò họng bằng nước muối sinh lý 2-3 lần/ngày.

3. Khi nào cần dùng thuốc kháng sinh cho bé bị viêm họng?

Thuốc kháng sinh cho bé bị viêm họng chỉ được sử dụng khi bệnh viêm họng ở trẻ em xuất phát do nguyên nhân vi khuẩn. Hoặc dùng trong một số trường hợp trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn. Điều này có nghĩa là ban đầu trẻ có thể bị viêm họng do nguyên nhân virus nhưng không được điều trị kịp thời hoặc đã điều trị sai cách dẫn đến nguy cơ bội nhiễm, lúc này bé sẽ nhiễm cả virus và vi khuẩn. Trong những trường hợp này việc sử dụng thuốc kháng sinh cho bé bị viêm họng là thực sự là cần thiết.

Thuốc kháng sinh cho trẻ em bị viêm họng chỉ được sử dụng khi đã chắc chắn nguyên nhân gây viêm họng ở trẻ là do vi khuẩn, nếu cha mẹ vẫn chưa chắc chắn, xin đừng tự ý sử dụng kháng sinh cho bé dưới bất kỳ hình thức nào. Để chắc chắn nguyên nhân gây bệnh ở trẻ là do đâu, tốt nhất cha mẹ nên đưa con đi khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác nhất.

Cha mẹ cần chú ý nếu thấy bé có các biểu hiện như sốt trên 38,5 độ C, sưng đau hạch cổ, đau đầu, xuất hiện các nốt xuất huyết ở vòm, đau bụng, có chất xuất tiết ở họng, amidan,… điều này cho thấy khả năng lớn trẻ đang mắc viêm họng do liên cầu tan huyết beta – nhóm A. Để điều trị hiệu quả cần sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo dùng đúng loại, đúng liều lượng. Cha mẹ tuyệt đối không tự bắt bệnh và mua thuốc điều trị cho bé tại nhà, đặc biệt với thuốc kê đơn như các loại thuốc kháng sinh.

Các loại kháng sinh thường dùng cho trẻ em bị viêm họng do vi khuẩn như sau:

  • Amoxicillin//amoxicillin + acid clavulanic: Liều amoxicillin khoảng 50mg/kg/ngày, thời gian dùng kháng sinh kéo dài từ 5-7 ngày;
  • Kháng sinh cephalosporin thế hệ 1-2 như: Cephalexin, cefaclor, cefuroxim… cũng hiệu quả rất tốt trong điều trị viêm họng do vi khuẩn;
  • Kháng sinh nhóm macrolid như azithromycin, erythromycin… cũng có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng;
  • Các kháng sinh Sulfamide, quinolon hoặc cephalosporin thế hệ 3 không nên dùng trong điều trị viêm họng cấp ở trẻ em, trừ khi có bằng chứng rõ ràng về việc nhiễm các vi sinh vật gây bệnh cụ thể, điều này được xác định sau khi làm kháng sinh đồ.

Riêng trường hợp trẻ em bị viêm họng do liên cầu khuẩn, thời gian sử dụng kháng sinh có thể kéo dài đến 10 ngày.

4. Lưu ý gì khi sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ em bị viêm họng

Nếu trẻ được chỉ định sử dụng kháng sinh, cha mẹ tuyệt đối không nên cho con dùng kháng sinh nửa vời hoặc tự ý ngưng thuốc kháng sinh khi thấy trẻ có dấu hiệu hết sốt, hết ho, ăn được. Lúc này nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng con đã khỏi, nên thôi không dùng dùng kháng sinh nữa, điều này là hoàn toàn sai lầm.

Thuốc kháng sinh cho trẻ em bị viêm họng sau khi uống vào cơ thể sẽ cho tác dụng khiến vi khuẩn bị yếu đi, vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh khiến chúng không có sức phản kháng để gây các triệu chứng ồ ạt như ban đầu mắc bệnh chưa dùng thuốc. Tuy nhiên lúc này vi khuẩn mới chỉ yếu đi mà chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Nếu lúc này cha mẹ cho con dừng thuốc, số lượng vi khuẩn không bị tiêu diệt có khả năng dần dần khoẻ lại, sống lại và hình thành sức đề kháng với chính loại kháng sinh mà trẻ đang uống. Điều này gây nên tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm, khi trẻ bị nhiễm bệnh lần sau thì loại kháng sinh đó sẽ không còn có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn. Đây cũng là một nguyên nhân lớn gây ra tình trạng kháng thuốc không phải do lạm dụng kháng sinh mà là do sử dụng kháng sinh sai cách.

Vì vậy, việc sử dụng kháng sinh cho trẻ em nói riêng và trong cộng đồng nói chung cần phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Chỉ sử dụng kháng sinh đúng lúc, đúng liều lượng, đúng thời gian. Việc chỉ định có nên sử dụng kháng sinh để điều trị hay không, sử dụng như thế nào là do bác sĩ quyết định, tất cả chúng ta đừng tự ý lạm dụng kháng sinh mỗi khi cơ thế xuất hiện bất kỳ vấn đề bất thường nào.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/khi-nao-can-dung-thuoc-khang-sinh-cho-tre-em-bi-viem-hong/

Cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý Previous post Cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý
Để đạt được chiều cao tối ưu cho trẻ em, cha mẹ cần làm gì? Next post Để đạt được chiều cao tối ưu cho trẻ em, cha mẹ cần làm gì?