Hướng dẫn cha mẹ cách cai bỉm cho bé

Hướng dẫn cha mẹ cách cai bỉm cho bé

Bài viết của Cử nhân Trương Tạ Anh Nga – Chuyên viên Tâm lý – Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Việc thực hiện cách cai bỉm cho bé tưởng chừng như khá đơn giản nhưng việc thay đổi một thói quen của trẻ để con dần tự lập hơn không phải là điều dễ dàng. Bài viết hôm nay sẽ chia sẻ giúp mẹ về cách cai bỉm cho bé để mẹ có thể cùng con chuẩn bị tâm lý tốt nhất.

1. Tại sao cần hướng dẫn trẻ cai bỉm?

Khi trẻ quá quen với việc mặc bỉm, có thể trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến cột sống lưng và trẻ sẽ gặp một số khó khăn về cảm nhận xúc giác vùng dưới mông. Khi quá lạm dụng bỉm, trẻ sẽ bị phụ thuộc vào bỉm, khó để nhận biết hoặc ý thức được việc bàng quang đầy và “cảm giác” buồn vệ sinh. Bên cạnh đó, khi được cởi bỉm, trẻ sẽ tăng cường nhận thức về bản thân hơn, tăng tương tác với người khác và xuất hiện nhiều nhu cầu hơn. Khi trẻ thấy “nước tiểu” chảy ra và trẻ sẽ cảm nhận nhiệt độ, cảm nhận sự dịch chuyển của nước, sẽ tò mò đặt câu hỏi: “ Nước ở đâu ra?”. Sau rất nhiều lần như vậy, trẻ cảm nhận được sự căng tức vùng bụng và trẻ có thể biểu hiện bằng hành động như: túm quần, chụm chân, chỉ tay… Dần dần khi người lớn cung cấp ngôn ngữ cho trẻ, trẻ sẽ biết cảm giác căng tức đó là “buồn tè/buồn ị” và trẻ bắt đầu phát âm “tè/ị”. Từ đó, sẽ tăng cường mức độ tương tác của trẻ với người lớn xung quanh và hỗ trợ trẻ giảm ăn vạ khi trẻ khó chịu mà không biết cách thể hiện với người lớn

2. Độ tuổi nào thì trẻ nên tập cai bỉm?

Mẹ thực hiện cách cai bỉm cho bé ban ngày trong độ tuổi từ 18 tháng đến 2,5 tuổi và học cách cai bỉm đêm cho bé dao động từ 3,5 tuổi đến 4 tuổi – đây được xem là độ tuổi vàng để giúp trẻ cai bỉm.

3. Các kỹ năng tiền đề để biết được trẻ đã sẵn sàng cai bỉm

3.1. Cai bỉm ban ngày – giai đoạn 18 tháng đến 2,5 tuổi

  • Trẻ biết chỉ tay vào bỉm/quần của bé
  • Trẻ biết cách ra hiệu khi trẻ muốn đi tè/ị bằng cách chỉ vào nhà vệ sinh hoặc trẻ có từ đơn ‘”tè”/”ị”
  • Trẻ chấp nhận bô và bước đầu hiểu công dụng của bô

3.2. Cai bỉm ban đêm – giai đoạn 3,5 tuổi đến 4 tuổi

Trẻ thành thục cai bỉm ban ngày, biết gọi “tè”, “ ị” đúng nhu cầu.

4. Chuẩn bị thực hiện cách cai bỉm cho bé

4.1. Chuẩn bị tâm lý của người lớn

Cha mẹ thường nghĩ “Tại sao cai bỉm cho trẻ mà người lớn cũng phải chuẩn bị tâm lý?” Nhưng thực tế cho thấy khi con tè bậy và quay ra thấy con “nghịch” (trong mắt người lớn là nghịch bẩn) thì cha mẹ, ông bà thường cảm thấy khó chịu vì bẩn và mất vệ sinh. Đồng thời việc lau dọn thay quần áo thường xuyên sẽ khiến cha mẹ, ông bà mất nhiều thời gian hơn bình thường. Vì vậy, để con có thể cai bỉm thành công, cha mẹ cần hiểu đúng về tâm sinh lý, cũng như sự phát triển của trẻ. Trẻ em dưới 7 tuổi vẫn chưa thực sự kiểm soát được việc tè dầm của mình. Khi trẻ cần đi vệ sinh, bàng quang sẽ gửi tín hiệu đến não bộ và não bộ sẽ xử lý thông tin. Tuy nhiên, trẻ trong giai đoạn từ 18 tháng đến dưới 5 tuổi – quá trình chuyển thông tin này đôi khi vẫn chậm. Vì vậy, việc trẻ chưa gọi mà đã “tè/ị” là việc ngoài ý muốn. Sau 5 tuổi, có khoảng 15% trẻ làm ướt giường buổi đêm. Ở nhóm trẻ 7 tuổi thì cứ 10 trẻ có 1 trẻ đi tè dầm vào ban đêm. Vì vậy, việc tè dầm/ị đùn là việc bình thường của trẻ.

Khi con đã có kỹ năng tiền đề, tâm lý của con đã sẵn sàng, cha mẹ chuẩn bị sẵn sàng tâm lý rằng con đang lớn và đang trong quá trình hoàn thiện kỹ năng của bản thân. Vì vậy, cha mẹ/ông bà cần tạo điều kiện cũng như cơ hội để con có thể phát triển kỹ năng của mình. Thời gian đầu cha mẹ/ông bà có thể vất vả hơn. Tuy nhiên, sau khi con đã có kỹ năng thì việc con tự lập như tự gọi đi vệ sinh, tự ngồi bô, gọi người thân hỗ trợ sẽ giúp cha mẹ/ông bà “nhàn” hơn rất nhiều.

4.2 Chuẩn bị đồ dùng

  • Quần áo dễ mặc, dễ cởi
  • Khăn

Khi thực hiện các cách cai bỉm cho bé thì không chỉ trẻ mà ngay cả cha mẹ cũng cần chuẩn bị tâm lý. Nếu cha mẹ có một sự chuẩn bị tốt thì chắc chắn cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc “cai bỉm” cho con.

5. Cách chiến lược giúp cha mẹ cai bỉm thành công

Để thực hiện cách cai bỉm cho bé thành công thì cha mẹ có thể tham khảo một số cách sau đây:

  • Lập bảng quan sát thời gian đi vệ sinh của trẻ. Mỗi trẻ sẽ có nhu cầu đi vệ sinh riêng. Thông thường con sẽ muốn đi vệ sinh vào các thời điểm như: trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy, sau khi uống nước hoặc sau khi ăn …
  • Cho con lựa chọn bô để dùng. Để khuyến khích trẻ sử dụng bô, cha mẹ có thể đưa con đi mua bô và hỏi ý trẻ xem con thích bô nào. Nhờ đó trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ và hào hứng mỗi lần trẻ đi vệ sinh.
  • Lựa chọn thời điểm cai bỉm: Giai đoạn vàng để mẹ thực hiện cách cai bỉm cho bé bắt đầu từ 18 tháng, tuy nhiên sẽ có trẻ chậm hơn và có trẻ bắt đầu cai bỉm nhanh hơn. Để chắc chắn, cha mẹ cần có sự quan sát và đảm bảo các kỹ năng tiền đề của trẻ được thành thục.
  • Cha mẹ có thể lựa chọn cho con các đầu sách về kỹ năng tự lập đi vệ sinh hoặc có thể tự làm một câu chuyện xã hội về tự lập ngồi bô đơn giản. Trẻ sẽ được dự báo trước những chuyện gì sẽ xảy ra.
  • Bất cứ khi nào trẻ có nhu cầu ngồi vào bô thì hãy nhanh chóng đưa trẻ đến chiếc bô của mình
  • Khi trẻ chưa kịp ngồi vào bô nhưng đã đi vệ sinh ra ngoài, đừng vội trách mắng trẻ hoặc cằn nhằn. Việc đó chỉ khiến trẻ cảm thấy mình là người thất bại, luôn làm phiền người khác và trẻ sẽ thích dùng bỉm hơn. Thay vì cằn nhằn, la hét hãy khích lệ trẻ dù chỉ là những điều nhỏ nhất như: “Ba/mẹ thấy con cố gắng gọi để đi vệ sinh đấy!” Sau đó hướng dẫn trẻ cùng lau và thay quần áo bẩn
  • Khen thưởng ngay khi con có thể ngồi bô bằng cách đơn giản như đập tay chúc mừng con đã biết ngồi bô.
  • Cha mẹ có thể lựa chọn quần áo dễ cởi và dễ tháo để trẻ có thể dễ dàng thực hiện được.
  • Cha mẹ lưu ý thống nhất cách thức hướng dẫn trẻ đi vệ sinh. Có thể lựa chọn một người chăm sóc chính để hiểu nhất về trẻ. Đó là người nắm bắt được hành vi, thói quen và những dấu hiệu khi trẻ đi vệ sinh. Tuy nhiên, có một người chăm sóc chính để hỗ trợ những người khác trong gia đình có thể hiểu trẻ và thực hiện cách ứng xử “linh hoạt” với trẻ trong các tình huống trong gia đình, tránh trường hợp phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc chính
  • Việc hứng dẫn trẻ “ cai bỉm” cần có thời gian mới đạt được kết quả. Vì vậy, cha mẹ cần bình tĩnh, chuẩn bị kỹ càng để giúp trẻ tự tin và đạt được các kỹ năng của mình.
  • Cha mẹ có thể chia nhỏ các mục tiêu của mình để trẻ dễ dàng thực hiện và cha mẹ cũng bớt áp lực hơn trong việc giúp trẻ “cai bỉm”.

6. Các đầu sách hướng dẫn trẻ đi vệ sinh

Cha mẹ có thể tham khảo các đầu sách hướng dẫn trẻ đi vệ sinh như sau:

  • Sách Ehon – Kỹ năng sống – Miu Miu tự lập: Đây là quyển sách kể về trình tự đi vệ sinh. Ngoài ra, sách còn giáo dục trẻ ăn nhiều rau để không bị táo bón. Khi trẻ được đọc truyện, trẻ sẽ bắt chước trình tự và học tập theo các nhân vật trong truyện.
  • Sách Ehon – Kỹ năng sống – Bé trai đi toilet và Bé gái đi toilet: Hiếm có bộ truyện nào chia theo giới tính thì bộ truyện này sẽ giúp cha mẹ phần nào bớt lo lắng khi hướng dẫn con sử dụng nhà vệ sinh.
  • Sách Vì mông bé cũng cần được thở: Cuốn sách hỗ trợ cha mẹ hướng dẫn con đi vệ sinh đúng chỗ
  • Sách Cùng chơi với bé – Tự đi vệ sinh nào: Trong cuốn sách này cha mẹ có thể cho con thấy mỗi bé có một cách đi vệ sinh riêng
  • Siêu thỏ – Ứ ngồi bô đâu: Câu chuyện kể về chú Thỏ không thích ngồi bô. Như bố mẹ biết, không phải bạn nào cũng sẽ thích ngồi bô để thực hiện. Siêu Thỏ cho mọi người thấy góc nhìn của những em bé. Từ đó giúp bố mẹ và con hiểu nhau hơn.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp mẹ có thể chuẩn bị vững tâm lý thực hiện cách cai bỉm cho bé để con có thể tự lập và thực hiện đi vệ sinh khi có nhu cầu.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/huong-dan-cha-me-cach-cai-bim-cho-be/

Lưu ý chăm sóc da cho bé khi bị sởi Previous post Lưu ý chăm sóc da cho bé khi bị sởi
Trẻ bị thủy đậu bôi thuốc gì? Next post Trẻ bị thủy đậu bôi thuốc gì?