Hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh có an toàn không?

Hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh có an toàn không?

Hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh là một trong những cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ theo kinh nghiệm dân gian, được nhiều mẹ áp dụng. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều mẹ vẫn băn khoăn có nên hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh? Nếu có thì cách hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh thế nào là an toàn nhất?

1. Hơ lá trầu có tác dụng gì?

Một số nghiên cứu khoa học đã được thực hiện, kết quả cho thấy trong khoảng 100g lá trầu không thì có chứa đến 2.4% tinh dầu. Tinh dầu trầu không có tác dụng kháng sinh cực kỳ mạnh, có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn như: Tụ cầu, song cầu, liên cầu khuẩn, trực trùng coli hay vi khuẩn lỵ…

Theo 1 số kinh nghiệm dân gian thì việc hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh có tác dụng hiệu quả trong việc chống táo bón, giảm đau, khó tiêu, đau bụng do đầy hơi, chữa ho, bảo vệ răng, khử trùng, chữa viêm phế quản hay nấm…

Đặc biệt, đối với các mẹ sau sinh cũng có thể sử dụng trầu không để ngăn ngừa nám da, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp hiệu quả nhờ 2.3% muối khoáng, 61% carbohydrate và 2.3% chất xơ trong lá trầu.

2. Có nên hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh hay không?

Trên thực tế, đã có rất nhiều gia đình khi thấy trẻ sơ sinh của mình quấy khóc hoặc trướng bụng đầy hơi đã dùng lá trầu không để hơ ấm, sau đó đắp lên bụng trẻ. Có trường hợp trẻ sau khi đắp lá trầu không hơ ấm đã nín dần và chơi ngoan. Tuy nhiên, cũng có nhiều trẻ vẫn quấy khóc và cha mẹ phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám và tìm ra nguyên nhân.

Mặc dù được truyền miệng rằng hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh có thể mang đến nhiều tác dụng nhưng vẫn có nhiều mẹ băn khoăn không biết “có nên hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh hay không?”. Theo lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa thì hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh là phương pháp chữa bệnh dân gian, chưa được kiểm chứng, do vậy các bậc cha mẹ cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện với em bé của mình.

Đặc biệt, một số ý kiến cũng cho rằng việc hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh là không an toàn vì nếu hơ nóng rồi đắp lên làn da non nớt của trẻ thì có thể gây bỏng. Nếu sinh non và yếu thì càng không nên áp dụng cách hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh.

Hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh thực chất có mang lại hiệu quả hay không thì chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý rằng phương pháp này có thể gây ra phản ứng phụ là khiến da của trẻ bị ửng đỏ do chất camphor và menthol trong lá trầu không rất dễ tạo thành hơi nước đọng lại dưới lá, sau đó thấm ngược qua làn da của trẻ. Điều này rất nguy hiểm vì có thể gây bệnh viêm phổi ở trẻ. Nếu cha mẹ áp dụng sai cách hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh thì còn có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng hoặc thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

3. Hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh cần lưu ý điều gì?

Một số lưu ý khi hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh:

  • Khi muốn hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh thì luôn phải cẩn trọng về nhiệt độ. Làn da của trẻ sơ sinh vô cùng nhạy cảm, chỉ cần nhiệt độ hơi nóng 1 chút cũng có thể khiến trẻ bị bỏng.
  • Tuyệt đối không áp dụng cách hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh khi cơ thể trẻ có các vết xước hoặc sưng tấy.
  • Tuyệt đối không hơ lá trầu trên than, trong phòng kín vì có thể gây hại cho sức khỏe của cả mẹ và trẻ sơ sinh.
  • Việc cho trẻ sơ sinh uống nước cốt lá trầu là hoàn toàn sai lầm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Thực tế, hơ lá trầu cho trẻ sơ sinh là một trong những cách chữa bệnh lưu truyền từ thời xa xưa để lại. Mặc dù việc tận dụng các kinh nghiệm dân gian khi chăm sóc trẻ sơ sinh là không sai. Tuy nhiên, trước khi thực hiện bất kỳ phương pháp gì thì mẹ cần xem xét thật cẩn thận. Không nên làm theo cảm tính vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển sau này của con.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/ho-la-trau-cho-tre-so-sinh-co-toan-khong/

Trẻ sơ sinh sau khi rụng rốn bị chảy dịch Previous post Trẻ sơ sinh sau khi rụng rốn bị chảy dịch
Trẻ sơ sinh tháng thứ 2 tăng bao nhiêu kg? Next post Trẻ sơ sinh tháng thứ 2 tăng bao nhiêu kg?