Có nên cho trẻ ăn quá lâu?

Có nên cho trẻ ăn quá lâu?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh – Bác sĩ Nhi khoa – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển nên thường được chú trọng bổ sung dinh dưỡng. Nhiều bậc phụ huynh đôi khi chỉ quan tâm đến số lượng và chất lượng món ăn mà không để ý đến thời lượng của bữa ăn. Vậy có nên cho trẻ ăn quá lâu không? Câu trả lời là không vì bé ăn quá lâu sẽ làm giảm chất lượng của bữa ăn.

1. Tác hại của việc trẻ ăn quá lâu

Nhiều ba mẹ hoặc ông bà nếu có thời gian sẽ cố gắng cho bé ăn hết thức ăn trong mỗi bữa, dù bé ăn quá chậm hoặc quá lâu. Tuy nhiên các ba mẹ lại không biết rằng liệu có nên cho trẻ ăn quá lâu như vậy hay không? Câu trả lời là không vì bé ăn quá lâu cũng có những tác hại như sau:

  • Không nên kéo dài bữa ăn quá 30 phút bởi vì khi đó thì thức ăn của bé sẽ nguội, đôi khi còn bị vữa làm mất hương vị của món ăn. Điều này khiến bé khó ăn hơn và không muốn ăn nữa.
  • Trẻ nhỏ thường ăn theo nhu cầu mình, nghĩa là khi bé muốn ăn thì sẽ ăn một cách nhanh chóng và lấy đủ năng lượng cần thiết. Nếu cố ép hay dụ dỗ cho bé ăn quá lâu trong khi bé đã có đủ năng lượng mình cần ăn chỉ khiến bé thêm khó chịu, chán ngán với thức ăn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc bé không còn hứng thú với ăn uống và bé biếng ăn.
  • Bé ăn quá lâu kéo dài hơn 30 phút khiến bé rất khó để tập trung tiếp tục vào bữa ăn.
  • Bé ăn quá chậm hoặc bữa ăn kéo dài quá lâu có thể làm ba mẹ sẽ mất kiên nhẫn, dẫn đến quát mắng trẻ. Lúc này, bữa ăn đúng ra phải là khoảng thời gian thoải mái, vui vẻ thì đối với trẻ bữa ăn lại là lúc mang nhiều cảm giác khó chịu, giận dỗi, thậm chí là sợ hãi khi ăn. Bữa ăn kéo dài quá lâu dẫn đến những ảnh hưởng về tâm lý, khiến bé thấy lo sợ mỗi khi đến giờ ăn và không hứng thú muốn ăn.

2. Thời lượng phù hợp cho mỗi bữa ăn

Để trẻ hứng thú vào mỗi bữa ăn, ngoài tập thói quen cho trẻ ăn vào một giờ cố định thì ba mẹ cũng cần cố định thời lượng mỗi bữa ăn. Đối với bữa ăn chính, không nên kéo dài hơn 30 phút và bữa phụ không quá 20 phút, dù bé ăn quá chậm hay chưa ăn hết thức ăn. Đây là khoảng thời gian giới hạn cho mỗi bữa ăn của trẻ được các chuyên gia khuyến cáo.


trẻ ăn gì để tăng cân
Cha mẹ không nên cho bé ăn quá lâu hoặc ăn quá chậm

3. Cách khắc phục tình trạng bé ăn quá lâu

Để khắc phục tình trạng bé ăn quá lâu, trước tiên ba mẹ cần xác định nguyên nhân. Bữa ăn kéo dài có thể do bé ăn quá chậm, do thức ăn quá nhiều hoặc do bé biếng ăn. Các biện pháp giúp khắc phục vấn đề này bao gồm:

  • Nên xác định thời lượng nhất định cho mỗi bữa ăn nhưng không nên cho trẻ ăn kéo dài quá 30 phút. Sau 30 phút, hãy dừng bữa ăn lại, lau miệng cho trẻ và giới thiệu món ăn cho trẻ vào bữa tiếp theo. Điều này sẽ hình thành thói quen ăn uống tốt, giảm áp lực cho trẻ trong mỗi bữa ăn và giảm căng thẳng cho ba mẹ.
  • Vào mỗi bữa ăn, ba mẹ không nên quá khắt khe và cũng không nên chiều chuộng quá mức vì như thế sẽ tạo nên tâm lý căng thẳng cho bé.
  • Không nên cho bé vừa ăn vừa chơi đồ chơi hay xem tivi, điện thoại, máy tính bảng. Trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn khi ngồi vào bàn ăn cùng các thành viên trong gia đình dưới bầu không khí dễ chịu, thoải mái. Ba mẹ cũng không nên xem tivi để giúp trẻ tập trung vào thưởng thức món ăn.
  • Ba mẹ nên dành thời gian lên thời gian biểu cho việc ăn uống của trẻ và lựa chọn thức ăn cho mỗi bữa sao cho phù hợp với trẻ. Trẻ có thể không muốn ăn nếu thực đơn của trẻ đơn điệu. Thay vào đó, hãy chọn lựa và kết hợp nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác nhau để tạo ra những món ăn ngon và hấp dẫn, kích thích khứu giác và thị giác của trẻ. Hãy để trẻ cảm thấy thích thú với các bữa ăn thơm ngon và nhiều màu sắc.
  • Ba mẹ nên chú ý và biết khi nào bé no hoặc đói, sở thích của bé về món ăn và màu sắc, món nào bé ăn nhiều ăn nhanh hoặc món nào bé không thích. Việc bé ăn quá chậm có thể là một cách để bé bỏ ăn món mà bé không thích, thể hiện sự kén ăn, chán ngán món ăn.
  • Đối với những bé biếng ăn hay ăn chậm, ba mẹ nên cho bé ăn ba bữa chính và một số bữa ăn nhẹ vào giờ bình thường giữa các giờ ăn chính mỗi ngày, khoảng cách giữa các bữa ăn chính và thời gian ăn nhẹ là từ hai đến ba giờ.
  • Trong thời gian đầu mới tập ăn, không nên ép bé ăn quá nhiều, vì trẻ chỉ ăn uống đủ cho nhu cầu của mình. Thay vào đó, ba mẹ có thể thử để trẻ tự ăn một cách thoải mái trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này có thể giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
  • Nếu trẻ có thể hoàn thành bữa ăn trong vòng 20 đến 30 phút và không muốn ăn thêm hoặc tỏ ra không còn quan tâm đến thức ăn, điều đó có nghĩa là trẻ đã no. Ba mẹ không nên yêu cầu trẻ ăn nhanh hơn để ăn được nhiều. Sự thúc ép như vậy có thể khiến trẻ cảm thấy căng thẳng và chán ăn.
  • Thức ăn của trẻ nhỏ không được quá to hoặc quá cứng vì như vậy trẻ sẽ không thể nhai hoặc nuốt được, làm cho trẻ không muốn ăn. Ba mẹ nên cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ hoặc nấu cho đến khi mềm để trẻ dễ nhai nuốt và tiêu hoá.
  • Ba mẹ nên dành thời gian trò chuyện, quan tâm đến bé vì bé ăn quá chậm hay quá lâu có thể là cách mà bé dùng để tìm kiếm sự chú ý. Hãy cùng chơi trò chơi, hoạt động thể thao và ăn cùng trẻ. Điều này sẽ tạo hứng thú cho trẻ, giúp trẻ ăn nhanh hơn.
  • Trước khi đi ngủ nên cho trẻ ăn nhẹ như sữa, bánh quy, phô mái hoặc trái cây, ngay cả khi thời điểm ăn nhẹ chỉ sau bữa tối một giờ.

Bên cạnh việc quan tâm đến số lượng và chất lượng bữa ăn của trẻ, phụ huynh cũng nên quan tâm đến thời lượng bữa ăn của trẻ. Đối với bữa ăn chính, không nên kéo dài hơn 30 phút và bữa phụ không quá 20 phút. Việc ăn quá lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của trẻ.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,… Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/co-nen-cho-tre-qua-lau/

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa Previous post Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa
Kẽm và vi chất dinh dưỡng kết hợp để chống lại chứng viêm đường tiêu hóa Next post Kẽm và vi chất dinh dưỡng kết hợp để chống lại chứng viêm đường tiêu hóa