Cách làm dịu cơn khóc của trẻ

Cách làm dịu cơn khóc của trẻ

Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rất căng thẳng khi trẻ quấy khóc và không biết làm thế nào để giúp con hết khóc. Vì vậy, cùng với kiến thức chăm con thì cách làm dịu cơn khóc của trẻ cũng là một trong những vấn đề quan trọng mà các bậc cha mẹ cần quan tâm.

1. Nguyên nhân bé khóc không ngừng

Các nguyên nhân làm bé khóc không ngừng có thể kể đến như sau:

  • Trẻ khóc do đói: Trẻ nhỏ chưa biết nói, vì vậy khi đói bụng thì trẻ chỉ có thể sử dụng tiếng khóc như cách để thông báo với cha mẹ;
  • Trẻ mệt mỏi: Tình trạng mệt mỏi là một trong những nguyên nhân làm trẻ khóc;
  • Tã bị ướt: Tã ướt làm cho trẻ bị khó chịu và quấy khóc;
  • Trẻ bị nóng hoặc lạnh;
  • Cha mẹ để con nằm ở một tư thế quá lâu;
  • Trẻ ít được ra ngoài;
  • Trẻ đang mọc răng.

2. Cách làm dịu cơn khóc của trẻ

Nhiều bậc cha mẹ thường không biết phải làm gì khi trẻ khóc ngất, tình trạng nếu kéo dài sẽ gây căng thẳng cho cha mẹ và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, bên cạnh những kiến thức chăm con thì làm sao để làm dịu cơn khóc của trẻ cũng là một trong những vấn đề quan trọng mà các bậc cha mẹ cần quan tâm. Sau đây là một số biện pháp giúp làm dịu cơn khóc của trẻ:

2.1. Mẹ cần gần gũi, âu yếm trẻ

Ở độ tuổi sơ sinh và chưa biết nói, trẻ khóc được xem là hình thức giao tiếp với cha mẹ và người lớn. Vì vậy, khi con khóc cha mẹ cần phản ứng, gần gũi và âu yếm bé. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đối với trẻ nhận được sự phản ứng, quan tâm của cha mẹ từ khi còn sơ sinh có tỷ lệ quấy khóc thấp hơn. Cha mẹ để con khóc càng lâu thì càng mất nhiều thời gian để dỗ bé. Sự âu yếm, quan tâm của cha mẹ sẽ tạo cho trẻ cảm giác được bảo vệ, chẳng hạn như bế trẻ sát ngực, ôm trẻ bằng cánh tay…


làm dịu cơn khóc của trẻ
Mẹ cần gần gũi, âu yếm để làm dịu cơn khóc của trẻ

2.2. Tạo sự thoải mái để làm dịu cơn khóc của trẻ

Trong trường hợp bé khóc không ngừng, cha mẹ có thể sử dụng các biện pháp giúp tạo sự thoải mái cho bé như sau:

  • Bế con một vòng quanh nhà hoặc dạo chơi ở ngoài;
  • Cho trẻ tắm và tìm cách giúp cho con thích được tắm;
  • Hát: Cha mẹ có thể thử các bài hát với lời ru êm ái hay giai điệu vui vẻ, sôi động;
  • Sử dụng âm thanh có nhịp điệu: Nhiều trẻ đang khóc có thể điềm tĩnh lại và chấm dứt cơn khóc khi nghe các âm thanh lạ như tiếng gió thổi, tiếng sóng biển vỗ…
  • Đối với trẻ thích vuốt ve thì các biện pháp như massage sẽ rất có hiệu quả làm dịu cơn khóc;
  • Cho trẻ ngậm núm vú giả.

2.3. Giảm sự phấn khích của trẻ

Trong nhiều trường hợp, các yếu tố kích động hoặc quá phấn khích có thể làm trẻ giật mình và quấy khóc. Vì vậy, cha mẹ nên hạn chế sự phấn khích của con, các yếu tố kích thích và chỗ đông người, đặc biệt là vào buổi tối hoặc chiều tối.

2.4. Tuân thủ lịch trình sinh hoạt của trẻ

Việc đảo lộn lịch trình sinh hoạt như thường ngày của trẻ có thể là nguyên nhân làm cho con quấy khóc. Vì vậy, cha mẹ nên tuân thủ lịch trình sinh hoạt theo một trình tự nhất định như phương pháp EASY, thời gian biểu mỗi ngày luôn được sắp xếp theo thứ tự như tắm, ăn, thay tã, ra ngoài, thời gian ngủ và thức giấc…

2.5. Giảm lượng khí nuốt

Trẻ thường khó chịu và quấy khóc khi nuốt nhiều không khí. Vì vậy, để giảm lượng không khí trẻ nuốt phải, mẹ nên điều chỉnh tư thế bú của trẻ được hợp lý, khi trẻ uống sữa công thức bằng bình mẹ nên cho trẻ bú trong tư thế hơi thẳng đứng và giúp con ợ hơi sau khi bú để giải phóng lượng khí đã nuốt vào.

2.6. Sử dụng một tấm khăn để ôm trẻ

Khi trẻ quấy khóc, đặc biệt là trẻ sơ sinh thì cha mẹ có thể sử dụng một tấm khăn mềm, mỏng để ôm trẻ. Phương pháp này có hiệu quả cao, đặc biệt là cho trẻ ở giai đoạn sơ sinh đến 4 tháng tuổi, giúp làm dịu cơn khóc của trẻ, giảm khả năng thức giấc khi trẻ đang ngủ ngon. Cha mẹ có thể thực hiện phương pháp như sau:

  • Để con nằm trên tấm chăn;
  • Kéo phần bên trái của tấm chăn qua bên cơ thể của trẻ và gấp nó lại;
  • Kéo phần dưới tấm chăn lên phía trên;
  • Kéo phần bên phải của tấm chăn qua bên cơ thể của trẻ và gấp lại.

làm dịu cơn khóc của trẻ
Tạo sự thoải mái để làm dịu cơn khóc của trẻ

2.7. Lập thời gian biểu cho chế độ ăn uống của trẻ

Cha mẹ cần lập cho con chế độ ăn uống đúng thời gian biểu. Theo đó, mẹ cần có thời gian hợp lý ở mỗi lần cho con bú và không phải khi nào trẻ khóc là mẹ lại cho bú, bởi vì nguyên nhân làm trẻ quấy khóc có thể không phải là do đói bụng.

Theo dõi cân nặng của trẻ, xây dựng chế độ dinh dưỡng và thời gian biểu ăn uống hợp lý không những giúp giảm tình trạng con quấy khóc vì đói mà còn giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

2.8. Đưa trẻ đi khám nếu bé khóc không ngừng

Trong trường hợp bé khóc không ngừng và có nhiều dấu hiệu lạ, cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán nhằm xác định các bệnh lý liên quan có thể xảy ra. Đặc biệt là trong trường hợp trẻ quấy khóc và có kèm theo các biểu hiện sau:

  • Trẻ khóc liên tục và kéo dài hơn 3 giờ;
  • Trẻ có các triệu chứng ốm, mệt mỏi;
  • Cha mẹ đã thử mọi cách dỗ dành nhưng trẻ vẫn không hết khóc.

Tóm lại, trẻ khóc thường do nhiều nguyên nhân như đói bụng, buồn ngủ, tã ướt,… nhưng cũng có thể là do một tình trạng khác liên quan đến sức khỏe như đau bụng, đầy hơi,… Vì vậy, khi trẻ khóc không ngừng và có một số dấu hiệu lạ, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm và chẩn đoán chính xác.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/cach-lam-diu-con-khoc-cua-tre/

Ảnh hưởng khi trẻ bị thừa flour Previous post Ảnh hưởng khi trẻ bị thừa flour
Bệnh thận phức tạp ở trẻ em Next post Bệnh thận phức tạp ở trẻ em