Bổ sung kẽm cho trẻ trong thời gian bao lâu là hợp lý và khoa học nhất?

Bổ sung kẽm cho trẻ trong thời gian bao lâu là hợp lý và khoa học nhất?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Kẽm là một nguyên tố cần thiết để phát triển toàn diện cũng như tránh được tình trạng chậm lớn và còi cọc do biếng ăn thường gặp ở trẻ. Song câu hỏi đặt ra là bổ sung kẽm cho trẻ trong thời gian bao lâu và làm sao cho hợp lý? Là vấn đề mà nhiều bậc làm cha mẹ luôn quan tâm.

1. Lượng kẽm cần bổ sung cho trẻ trong một ngày

Khi phải bổ sung kẽm cho trẻ, các mẹ cần lưu ý đến hàm lượng kẽm mà cơ thể bé cần. Theo nghiên cứu của Viện dinh dưỡng Việt Nam 2016, lượng kẽm bổ sung phải phụ thuộc vào độ tuổi của từng bé. Song song đó, các mẹ cần đến cơ sở y tế để bác sĩ chuyên khoa xem biểu hiện tổng quát, cũng như tiến hành các xét nghiệm sinh hóa để đưa ra những kết quả chính xác nhất. Kết quả sẽ giúp mẹ biết được có nên bổ sung kẽm thường xuyên cho trẻ hay không và liều lượng là bao nhiêu.

Hàm lượng kẽm cần bổ sung theo độ tuổi thường là:

  • Độ tuổi trẻ từ 7 tháng đến 3 tuổi là 5mg/ngày
  • Độ tuổi trẻ từ 4 tuổi – 13 tuổi thì là 10mg/ngày
  • Người trưởng thành sẽ bổ sung khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ
  • Phụ nữ trong giai đoạn mang thai thì bổ sung 15mg/ngày
  • Phụ nữ sau sinh trong khoảng 6 tháng đầu cần bổ sung 19mg/ngày
  • Phụ nữ sinh từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 12 thì bổ sung 16mg/ngày.

2. Bổ sung kẽm cho trẻ trong thời gian bao lâu là tốt nhất?

Sau khi đưa con đến thăm khám cơ sở y khoa, phụ huynh không chỉ có thể biết được chính xác liều lượng kẽm mà bé cần bổ sung, mà còn biết được bổ sung kẽm cho trẻ trong bao lâu là đủ. Bình thường, các mẹ có thể bổ sung kẽm cho bé trong khoảng từ 2-3 tháng, nhưng phải phụ thuộc vào tình trạng thực tế của từng bé.

Bên cạnh đó, thời gian lý tưởng để mẹ bổ sung kẽm cho bé là khoảng 30 phút sau khi ăn. Tránh việc bổ sung kẽm khi bé đói vì dễ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.


Bổ sung kẽm cho bé trong bao lâu
Việc bổ sung kẽm cho trẻ trong thời gian bao lâu khiến nhiều phụ huynh băn khoăn

3. Thực phẩm cần dùng cho trẻ thiếu kẽm

Bên cạnh việc bổ sung kẽm cho bé bằng thuốc, phụ huynh cũng phải ưu tiên kẽm từ các thực phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật. Kẽm thường có nhiều hơn trong thịt động vật, thực vật có hàm lượng kẽm không nhiều và giá trị sinh học cũng không cao. Sau đây là một vài thực phẩm chứa kẽm mà các mẹ có thể tham khảo:

  • Hải sản có vỏ: Hàu, hến, cua, sò, tôm,… là các loại hải sản thường chứa hàm lượng kẽm rất cao và nhiều dinh dưỡng. Các mẹ cần làm sạch và nấu chín trước khi cho bé ăn.
  • Thịt: Đây là một loại thực phẩm mà bạn có thể dễ dàng mua được ở các chợ và siêu thị để chế biến cho trẻ ăn. Trong số các loại thịt thì thịt đỏ chứa nhiều kẽm nhất. Tuy nhiên, mẹ cũng nên chú ý lượng thịt có trong một bữa ăn của bé. Không nên cho bé ăn nhiều vì dễ gây ảnh hưởng đến gan và thận của trẻ nhỏ.
  • Trứng: Tuy không chứa quá nhiều kẽm như thịt, nhưng trứng cũng là một loại thực phẩm cung cấp kẽm tốt cho bé, lại chứa nhiều chất dinh dưỡng khác rất cần thiết. Trong đó có choline – một chất hỗ trợ chức năng gan, trao đổi chất, phát triển trí não và hoạt động của cơ thể người.
  • Thực vật: Chủ yếu là các loại hạt, đậu và các loại rau. Tuy chứa hàm lượng kẽm ít nhưng kẽm từ thực vật lại được cho thân thiện với mọi người vì sự lành tính. Cũng nhờ đó mà thực vật được luôn được các mẹ ưu ái đưa vào thực đơn ăn dặm của bé.

Riêng những bé dưới 6 tháng tuổi thì sữa mẹ chính là nguồn cung cấp kẽm dồi dào và tốt nhất. Để nguồn sữa mẹ giàu kẽm thì các mẹ cũng nên tự bổ sung kẽm cho bản thân bằng việc ăn uống đầy đủ chất.

4. Một vài lưu ý cần biết khi bổ sung kẽm cho trẻ

Sau đây là một số lưu ý mà các bậc phụ huynh cần ghi nhớ khi bổ sung kẽm cho con:

  • Không nên bổ sung các chất như canxi, sắt cùng lúc với kẽm. Các mẹ nên cho trẻ uống kẽm trước và cách 2 tiếng sau hãy cho bé uống canxi hoặc sắt.
  • Muốn bé hấp thụ chất kẽm tốt thì phụ huynh nên chủ động cho bé bổ sung thêm các chất dinh dưỡng như vitamin C, chất xơ,…
  • 30 phút sau khi ăn là thời điểm tốt nhất để mẹ cho bé uống viên kẽm
  • Không nên bổ sung kẽm khi bé đang đói để tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Không nên cung cấp kẽm vào ban đêm vì lúc này cơ thể bé khó có thể hấp thụ được.

Việc bổ sung đủ kẽm để trẻ phát triển toàn diện không phải là điều quá mới mẻ, nhưng bổ sung kẽm cho bé trong bao lâu và liều lượng sao cho hợp lý thì vẫn khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Một số trường hợp bổ sung kẽm sai cách có nguy cơ dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe bé. Muốn việc bổ sung kẽm trở nên khoa học và tốt nhất, các bậc cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa có nhiều kinh nghiệm để được tư vấn liệu trình rõ ràng.

Đặc biệt, việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,… giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi – Dinh dưỡng của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/bo-sung-kem-cho-tre-trong-thoi-gian-bao-lau-la-hop-ly-va-khoa-hoc-nhat/

Bé 21 – 22 tháng nặng 9 – 10kg có phải suy dinh dưỡng? Previous post Bé 21 – 22 tháng nặng 9 – 10kg có phải suy dinh dưỡng?
Phân của trẻ ăn dặm thế nào là bình thường? Next post Phân của trẻ ăn dặm thế nào là bình thường?