Cắt dây rốn chậm lợi hay hại cho trẻ?

Cắt dây rốn chậm lợi hay hại cho trẻ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Bùi Minh Phúc – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Cắt dây rốn là một việc thiết yếu để giúp trẻ tách ra hoàn toàn với cơ thể mẹ. Hiện nay đang có một sự thay đổi xu thế trong việc cắt dây rốn, nhiều bà mẹ cho rằng việc cắt dây rốn chậm sẽ giúp bé khỏe mạnh, phát triển thông minh hơn. Vậy thực chất cắt dây rốn chậm có tốt không? Tác dụng của việc làm này là gì?

1. Cắt dây rốn chậm có tốt cho trẻ sơ sinh không?

  • Trẻ được cung cấp thêm máu, tránh thiếu máu: Các nghiên cứu về sinh lý trẻ sơ sinh cho thấy, trong phút đầu tiên sau sinh lượng máu truyền từ bánh rau sang trẻ sơ sinh khoảng 80ml và có thể lên 100ml trong 3 phút sau sinh. Lượng máu này giúp trẻ không bị thiếu máu trong những tháng đầu.
  • Trẻ được cung cấp thêm sắt, tránh thiếu sắt: Lượng máu thêm này có thể cung cấp thêm cho trẻ một lượng sắt tương ứng 40-50mg/kg cân nặng của trẻ, cùng với lượng sắt sẵn có trong cơ thể (khoảng 75mg/kg cân nặng) có thể giúp trẻ đủ tháng ngăn ngừa được thiếu máu thiếu sắt trong năm đầu. Chính vì thế, cắt dây rốn chậm còn giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt ở trẻ, góp phần giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
  • Giảm nguy cơ xuất huyết não thất cũng như nguy cơ nhiễm khuẩn máu cho trẻ: Xuất huyết não thất là tình trạng máu ở khu vực não tràn vào khu vực chứa dịch não. Nhiễm trùng huyết muộn là hiện tượng xảy ra khoảng 3-7 ngày sau khi bé chào đời. Nguyên nhân là vì trẻ bị nhiễm khuẩn từ môi trường hoặc từ người chăm sóc trẻ, sau đó vi khuẩn đi vào máu của trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ cắt rốn chậm trong thời gian phù hợp bị xuất huyết não và nhiễm trùng máu thấp hơn trẻ cắt rốn ngay sau sinh, đặc biệt là trẻ sinh thiếu tháng.
  • Tăng nguồn oxy cho trẻ trong thời điểm đầu đời: Dây rốn chính là nguồn cung cấp oxy cho bé sơ sinh, lúc mới chào đời trẻ cần một thời gian ngắn để có phản xạ thở, trong thời gian chờ đợi đó lượng oxy cung cấp qua dây rốn của mẹ là một điều rất quan trọng.

2. Kéo dài thời gian cắt dây rốn bao lâu là phù hợp?

Chỉ một thời gian ngắn sau khi sinh, dây rốn sẽ ngừng đập, nhau thai không thể truyền chất dinh dưỡng sang cho bé nữa.


căt dây rốn 1
Trẻ có nguy cơ nhiễm trùng rốn nếu trì hoãn thời gian cắt rốn quá lâu

Xuất phát từ các bằng chứng lâm sàng của các nghiên cứu về kẹp cắt dây rốn chậm, năm 2012, WHO đã khuyến cáo nên kẹp cắt dây rốn muộn (khi dây rốn ngừng đập hoặc 1-3 phút sau sổ thai) cho tất cả các trường hợp đẻ thường để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu của trẻ. Chỉ kẹp cắt dây rốn sớm (trước 01 phút) đối với các trường hợp trẻ ngạt cần phải hồi sức tích cực.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, phần lớn các ca sinh, dù là sinh thường hay sinh mổ, các bác sĩ không chỉ áp dụng phương pháp cắt dây rốn chậm để bé có thêm khoảng 100ml máu, góp phần mang đến cho bé một khởi đầu thuận lợi. Đặc biệt, bố hoặc bà sẽ được các cô nữ hộ sinh hướng dẫn để có thể trực tiếp thực hiện cắt dây rốn cho bé – khoảnh khắc người thân cùng mẹ đón con yêu chào đời sẽ trở nên ý nghĩa và đáng nhớ hơn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/cat-day-ron-cham-loi-hay-hai-cho-tre/

Bạn sẽ làm gì khi biết tin hơn 15000 ca mắc ung thư vú hàng năm tại Việt Nam? Previous post Bạn sẽ làm gì khi biết tin hơn 15000 ca mắc ung thư vú hàng năm tại Việt Nam?
Bệnh giun tocoxara: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng chống Next post Bệnh giun tocoxara: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng chống