Khớp xương kêu răng rắc khi vận động ở tuổi dậy thì có nên đi khám?

Khớp xương kêu răng rắc khi vận động ở tuổi dậy thì có nên đi khám?


Hỏi

Chào bác sĩ,

Cháu năm nay 13 tuổi, đã dậy thì, khớp gối chân trái của em lúc gập lại thì phát ra tiếng kêu răng rắc, còn khớp háng chân trái khi duỗi thẳng và đi lại cũng phát ra tiếng kêu luôn ạ. Mong bác sĩ cho cháu biết khớp xương kêu răng rắc khi vận động ở tuổi dậy thì có nên đi khám? Cách khắc phục như thế nào? Em cảm ơn

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi BSCK II Hoàng Thị Hiền – Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Khớp xương kêu răng rắc khi vận động ở tuổi dậy thì có nên đi khám?”, bác sĩ giải đáp như sau:

Các khớp xương kêu răng rắc, hay lục cục là hiện tượng khá phổ biến ở người cao tuổi. Đầu tiên, cần hiểu khớp là các vị trí trên cơ thể nơi hai xương kết nối với nhau và cho phép chuyển động giữa hai xương. Chúng kết nối với nhau thông qua dây chằng và các mô liên kết khác. Phần đầu hai xương được bao bọc bởi sụn khớp. Ngoài ra, các khớp được lót một lớp màng hoạt dịch bên trong có tác dụng tiết ra chất lỏng gọi là chất hoạt dịch (hay dịch khớp) vừa đủ để bôi trơn trong quá trình vận động.

Do vậy, khớp hoạt dịch là khớp duy nhất tạo ra “tiếng răng rắc”, bao gồm các khớp thường gặp như khớp ở vai, ngón tay, đầu gối, cổ chân, cột sống vùng cổ – thắt lưng. Có rất nhiều nguyên nhân khiến các khớp xương phát ra tiếng kêu răng rắc hoặc lục cục, bao gồm: Thiếu dịch khớp (do lão hóa ở người cao tuổi, hoặc do thiếu dinh dưỡng: như collagen, canxi, vitamin B12, magie… rất tốt cho sức khỏe xương khớp, lười vận động, thừa cân, béo phì….). Nguyên nhân do sụn hoặc xương dưới sụn bị tổn thương. Viêm gân, viêm khớp dạng thấp. Thoái hóa khớp. Gai xương,… Trường hợp của bạn, bác sĩ nghĩ nhiều có thể là hiện tượng khô khớp của thiếu dịch khớp nguyên nhân do chế độ dinh dưỡng. Cách phòng tránh như sau:

  • Vận động và tập luyện đúng cách có thể giúp cho xương khớp chắc khỏe, dẻo dai và phòng tránh được các bệnh liên quan đến xương khớp. Bạn có thể luyện tập các môn thể thao nhẹ nhàng như aerobic, đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp…
  • Khi có dấu hiệu đau hay sưng viêm thì bạn nên ưu tiên bơi lội, do trong môi trường nước, khớp sẽ không bị ảnh hưởng bởi trọng lực.
  • Làm việc và hoạt động đúng tư thế.
  • Xây dựng một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng có thể giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt dịch khớp. Nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu canxi, omega-3, vitamin D, B, K, và acid folic như cá biển, tôm, cua, hàu, rau xanh, trái cây… vào khẩu phần ăn hàng ngày.
  • Nếu đang bị thừa cân, béo phì, cháu nên xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý để tăng cường sức khỏe và giúp hạn chế trọng lượng cơ thể đặt lên các khớp chi dưới.

Trân trọng!


Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/co-xuong-khop/tu-van-bac-si/khop-xuong-keu-rang-rac-khi-van-dong-o-tuoi-day-thi-co-nen-di-kham/

Đau vùng xương chậu lan xuống xương đùi là bệnh gì? Previous post Đau vùng xương chậu lan xuống xương đùi là bệnh gì?
Đau lưng, nhức mỏi cột sống sau sinh phải làm sao? Next post Đau lưng, nhức mỏi cột sống sau sinh phải làm sao?