Gãy xương cẳng chân nên tập những bài tập nào?

Gãy xương cẳng chân nên tập những bài tập nào?


Hỏi

Chào bác sĩ,

Em bị gãy xương cẳng chân vào ngày 13/10/2020. Bác sĩ cho em hỏi gãy xương cẳng chân nên tập những bài tập nào? Em được phép vận động như thế nào? Bác sĩ tư vấn giúp em ạ. Em cảm ơn bác sĩ.

Trần Việt Hoàng (2004)

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình – Bác sĩ Phục hồi chức năng – Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Gãy xương cẳng chân nên tập những bài tập nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Gãy hai xương cẳng chân có thể gãy kín hoặc gãy hở; vị trí gãy có thể ở 1/3 trên, 1/3 giữa, 1/3 dưới; đường gãy có thể gãy ngang, gãy chéo, gãy xoắn, gãy vụn phức tạp hay gọi là gãy nhiều mảnh; ổ gãy có di lệch chồng ngắn hay gập góc hay không… Tùy vị trí gãy, tính chất đường gãy mà có các mức độ tổn thương khác nhau và gây ra các biến chứng khác nhau, đồng thời cần các phương pháp xử lý khác nhau. Tuy nhiên mục đích điều trị đều là tạo can xương tốt không gây ngắn chi, không xoay, không cứng khớp gối và khớp cổ chân, mang lại cho bệnh nhân khả năng vận động sinh hoạt bình thường.

Phương pháp điều trị tùy mức độ có thể bó bột, nẹp hay phẫu thuật kết hợp xương. Nguyên tắc phục hồi chức năng là tiến hành càng sớm càng tốt ngay sau khi được cố định hay kết hợp xương gãy. Mục đích làm giảm đau, giảm phù nề, chống huyết khối tĩnh mạch, khôi phục tầm vận động khớp gối và khớp cổ chân, gia tăng sức mạnh và sự dẻo dai của các nhóm cơ đùi, cẳng chân, lấy lại dáng đi bình thường cho bệnh nhân sau khi liền xương. Các bài tập sẽ tùy giai đoạn của tiến trình liền xương để tập thích hợp.

Bạn bị gãy xương đã hơn chín tháng, như vậy nhiều khả năng ổ gãy đã liền tốt. Nếu xương đã liền xương tốt, giai đoạn này bạn có thể tập các bài tập gia tăng sức mạnh cơ đùi và cẳng chân, lấy lại tầm vận động đầy đủ của khớp gối hay cổ chân, tập dáng đi và có thể tập đi xe đạp, đi bộ trên các địa hình, tập đứng lên ngồi xuống, chạy nhẹ nhàng. Nếu trong quá trình tập xuất hiện đau vùng ổ gãy, bạn nên tới bệnh viện để kiểm tra lại tình trạng can xương và được hướng dẫn cụ thể hơn.

Trân trọng!


Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/co-xuong-khop/tu-van-bac-si/gay-xuong-cang-chan-nen-tap-nhung-bai-tap-nao/

Sưng, đau nhói chân có phải dấu hiệu đứt dây chằng không? Previous post Sưng, đau nhói chân có phải dấu hiệu đứt dây chằng không?
Chóng mặt sau chấn thương vùng đầu thì phải làm sao? Next post Chóng mặt sau chấn thương vùng đầu thì phải làm sao?