Điều trị viêm khớp vai như thế nào?

Điều trị viêm khớp vai như thế nào?


Hỏi

Chào bác sĩ,

Em bị viêm khớp vai, đã tiêm 3 lần khớp vai rồi nhưng chỉ được 1 thời gian nó lại đau trở lại. Lần gần đây nhất, em tiêm vào đầu tháng 1/2021, đến nay tay em cử động rất khó khăn. Vậy bác sĩ cho em hỏi điều trị viêm khớp vai như thế nào? Em cảm ơn.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Hiền – Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Điều trị viêm khớp vai như thế nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ được dùng để chỉ các bệnh lý viêm cấu trúc phần mềm quanh khớp vai như gân, túi thanh dịch, bao khớp, trừ các bệnh lý do tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp,… Viêm khớp vai hay gặp nhất là từ tổn thương gân cơ trên gai và bó dài gân nhị đầu cánh tay. Bệnh xuất phát từ những tổn thương phần mềm xung quanh khớp vai, gây khó khăn cho người bệnh trong công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm bao dính khớp vai gồm:

  • Thoái hóa gân ở những người lớn tuổi, thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên;
  • Tổn thương khớp vai do làm việc nặng, hoặc chấn thương khi chơi thể thao (cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền…) lặp đi lặp lại gây tổn thương các gân cơ quanh khớp vai;
  • Chấn thương do va đập mạnh, chống tay xuống đất gây áp lực lên vai khi trượt ngã cầu thang hoặc tai nạn giao thông;
  • Viêm bao hoạt dịch mỏm cùng vai hoặc viêm gân dài cơ nhị đầu cánh tay;
  • Các bệnh lý khác như tim mạch, tiểu đường, hô hấp, thần kinh…

Trường hợp của bạn đã bị đau khớp vai vài năm nay, bác sĩ nghĩ nhiều đến thể mắc chứng đông cứng khớp vai: Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là tình trạng đông cứng khớp vai xảy ra khi mô sẹo hình thành xung quanh khớp. Điều này làm cho bao khớp vai dày lên, cứng và căng hơn, khiến vai khó cử động, nếu cử động được thì rất đau. Bất kỳ chấn thương nào ở vai cũng có thể dẫn đến hiện tượng vai đông cứng, viêm gân, viêm bao hoạt dịch hay chấn thương vòng bít quay (hội chứng vòng bít quay). Tình trạng viêm khớp vai đông cứng sẽ hồi phục hoàn toàn sau 3 – 4 năm. Trong thời gian này, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh. Mục tiêu là kiểm soát cơn đau, đồng thời cải thiện khả năng vận động của khớp vai.

Các biện pháp chữa trị bao gồm:

  • Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) giúp giảm đau và viêm ở vai. Nếu tình trạng không đỡ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc mạnh hơn.
  • Tiêm corticosteroid vào khớp vai để giảm đau và mở rộng phạm vi chuyển động của vai.
  • Tiêm dịch làm căng khớp, giúp bạn cử động vai dễ dàng hơn.
  • Vật lý trị liệu: Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ thiết lập riêng cho bạn một số bài tập phục hồi chức năng nhằm kiểm soát cơn đau, đồng thời ngăn ngừa sự tiến triển của tình trạng vai đông cứng. Các bài tập này cần được thực hiện đều đặn cho đến khi bệnh hồi phục hoàn toàn.
  • Phẫu thuật: Biện pháp này được chỉ định khi tất cả các phương pháp chữa trị trên không hiệu quả với tình trạng của chấn thương. Bệnh nhân sẽ được xem xét để giải phóng mô sẹo bằng một cuộc phẫu thuật nội soi khớp. Nhờ đó, các mô sẹo của bao khớp vai được phá vỡ, trả lại cho vai độ linh hoạt và phạm vi cử động như bình thường. Rủi ro có thể gặp phải trong quá trình mổ nội soi, dù rất hiếm gặp, chính là nguy cơ gãy xương cánh tay.

Do vậy bạn cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp để được các bác sĩ kiểm tra lại và cho hướng điều trị cụ thể.

Trân trọng!

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/co-xuong-khop/tu-van-bac-si/dieu-tri-viem-khop-vai-nhu-nao/

Xương chồng lên nhau sau gãy xương đòn có ảnh hưởng gì không? Previous post Xương chồng lên nhau sau gãy xương đòn có ảnh hưởng gì không?
Gãy 1/3 thân dưới xương đùi có thể hồi phục được không? Next post Gãy 1/3 thân dưới xương đùi có thể hồi phục được không?