Điều trị viêm đa khớp như thế nào?

Điều trị viêm đa khớp như thế nào?


Hỏi

Chào bác sĩ,

Bố em bị đau chân tay đã lâu, thường xuyên bị đau ở bàn tay, sau lại đau ở bàn chân, đầu gối. Bố em có đi khám thì được bác sĩ nói là bệnh viêm đa khớp. Bác sĩ có thể tư vấn cho em điều trị viêm đa khớp như thế nào? Em cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến – Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Điều trị viêm đa khớp như thế nào?”, bác sĩ giải đáp như sau:

Viêm đa khớp là bệnh lý do viêm khớp gây ra, ảnh hưởng tới nhiều khớp (trên 3 khớp). Viêm đa khớp gây đau, cứng, sưng đỏ và khiến khớp khó cử động. Căn bệnh này có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi và giới tính nào.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm đa khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến và viêm khớp do virus gây ra. Bệnh có thể kéo dài trong một thời gian nhất định hoặc chuyển thành dạng mãn tính kéo dài trên 6 tuần.

Vì thế, bạn nên đưa bố đến bệnh viện sớm để phải xét nghiệm, chụp phim xác định chuẩn nguyên nhân mới có phương án điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị và giảm đau viêm đa khớp, cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để thu được hiệu quả trị bệnh cao nhất, tránh nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường.

Việc điều trị viêm đa khớp thường được áp dụng dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể là:

  • Sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid như nhóm NSAIDs (thuốc chứa meloxicam, naproxen hay ibuprofen,…). Nhóm thuốc hoạt động bằng cách chặn enzyme và protein gây viêm;
  • Corticosteroid: Có tác dụng giảm viêm bằng cách ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch. Nếu nguyên nhân gây viêm đa khớp là do bệnh tự miễn thì corticosteroid rất hiệu quả;
  • DMARD: Dùng điều trị viêm khớp dạng thấp;
  • Thuốc ức chế TNF: Trị đau do viêm khớp dạng thấp hay bệnh Still;
  • Thực phẩm bổ sung làm chắc sụn được bác sĩ tư vấn.
  • Cần thay đổi lối sống, duy trì cân nặng lý tưởng bằng cách tập thể dục thường xuyên (các bài tập kéo giãn, bơi lội) và ăn uống lành mạnh để gia tăng độ linh hoạt của khớp, giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh.

Các biện pháp hỗ trợ giảm đau viêm đa khớp đang được nhiều bệnh nhân áp dụng hiện nay gồm:

  • Duy trì cân nặng, cần giảm cân để cải thiện khả năng vận động, giảm đau và giảm nguy cơ tổn thương khớp gối.
  • Các bài tập thể dục phù hợp giúp duy trì sự linh hoạt của các khớp và cơ thể. Tuy nhiên, nên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng như bơi lội, kéo giãn cơ. Những bài tập cường độ mạnh như chạy nhanh sẽ không tốt vì có thể gây tổn thương các khớp.
  • Áp lực cũng là nhân tố gây viêm, sưng và đau các khớp. Kỹ thuật thiền và thư giãn có thể làm giảm áp lực, nâng cao sức chịu đựng của cơ thể và giúp hỗ trợ điều trị các cơn đau do viêm khớp.
  • Liệu pháp nóng và lạnh mang lại hiệu quả giảm đau tốt cho bệnh nhân viêm đa khớp. Liệu pháp nóng (nhiệt) đơn giản nhất chính là ngâm mình bằng nước ấm vào buổi sáng để giãn các mạch máu, tăng cường lưu thông máu, giảm tình trạng cứng khớp. Các lựa chọn khác gồm: sử dụng chăn điện hay chườm túi nhiệt vào buổi tối để giúp các khớp thư giãn. Bên cạnh đó, liệu pháp lạnh cũng rất lý tưởng để giảm đau, sưng và viêm. Bệnh nhân chỉ cần chườm một túi đá hoặc túi nước lạnh vào khu vực khớp bị sưng, đau là các triệu chứng khó chịu sẽ giảm đi đáng kể.
  • Axit béo Omega-3 có tác dụng kháng viêm, tốt cho bệnh nhân viêm đa khớp. Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng cứng và đau khớp giảm thiểu đáng kể khi bổ sung dầu cá chứa Omega-3 vào chế độ ăn. Bên cạnh đó, axit gamma-linolenic (GLA) cũng là lựa chọn hợp lý để giảm đau cứng khớp do viêm đa khớp. Loại axit này có nhiều trong hạt cây anh thảo, hoa lưu ly, phúc bồn tử đen và cây gai dầu. Những loại dầu này cũng có sẵn trong các loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Trân trọng!


Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/co-xuong-khop/tu-van-bac-si/dieu-tri-viem-da-khop-nhu-nao/

Ngón tay co cứng sau khi bị kim đâm có sao không? Previous post Ngón tay co cứng sau khi bị kim đâm có sao không?
Sau mổ nối gân asin 2 tháng vết thương chưa lành nên làm gì? Next post Sau mổ nối gân asin 2 tháng vết thương chưa lành nên làm gì?